ĐẶT VẤN ĐỀ [1]
Gia đình là được coi là tế bào của xã hội, là nơi gắn bó với mỗi con người kể từ khi được sinh ra. Gia đình luôn là khái niệm được xã hội gắn với kỳ vọng là nơi khởi nguồn của cuộc sống, nơi chứa đựng những yêu thương, che chở, gắn bó bền vững và vô điều kiện, là nơi nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong tâm hồn của mỗi con người. Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình qua nhiều thời kỳ luôn đặt ra những quy định nhằm gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp gắn với khái niệm gia đình nhằm hướng xã hội đến với sự ổn định, bền vững, lành mạnh ngay từ những quy chuẩn đạo đức trong gia đình được nâng lên thành pháp luật.
Bên cạnh việc kết hôn và xây dựng cuộc sống gia đình thì ly hôn cũng là quyền được pháp luật bảo đảm của mỗi cá nhân trong xã hội. Mặc dù ly hôn là hiện tượng đi ngược lại với định hướng xây dựng cuộc sống hôn nhân tốt đẹp, nhưng đây là một chế định cần thiết để bảo đảm quyền tự do hôn nhân đồng thời củng cố tính tự nguyện, tiến bộ của hôn nhân trong đời sống xã hội. Song hành với việc giải quyết các yêu cầu ly hôn thì việc chia tài sản chung vợ chồng luôn là công việc mà Tòa án nhân dân các cấp thường xuyên phải giải quyết đồng thời trong quá trình xét xử yêu cầu ly hôn của các cặp đôi. Với các cặp vợ chồng có thể tìm được tiếng nói chung trong việc chia tài sản thì Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận, với các trường hợp không thể thỏa thuận được thì Tòa án giải quyết tranh chấp trên cơ sở xem xét chế độ tài sản vợ chồng được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể và với các nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng đã được quy định bởi Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Với các cặp đôi sống chung với gia đình bên vợ hoặc bên chồng, tài sản của vợ chồng đôi khi bị hòa trộn trong khối tài sản chung của cả Hộ gia đình dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc xác định chính xác khối tài sản vợ chồng được chia và phán quyết về việc chia tài sản dẫn đến rất dễ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bên vợ hoặc bên chồng là người sẽ không còn chung sống cùng Hộ gia đình sau khi ly hôn. Xuất phát từ tính chất phức tạp của các trường hợp này nên Luật Hôn nhân gia đình (HNGD) hiện hành đã phải dành riêng Điều 61 để điều chỉnh và kèm theo đó là hàng loạt các văn bản hướng dẫn của cơ quan liên quan trong việc áp dụng quy định này. Thực trạng này cho thấy sự cần thiết cần phải nghiên cứu nghiêm túc về việc áp dụng pháp luật trong giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình bên vợ hoặc bên chồng qua thực tiễn xét xử của Tòa án để rút ra các bài học kinh nghiệm cho chính bản thân tác giả khi áp dụng trong công việc hàng ngày.
NỘI DUNG
Như tác giả đã trình bày ở phần mở đầu, chia tài sản chung vợ chồng luôn là công việc mà Tòa án nhân dân các cấp thường xuyên phải giải quyết đồng thời trong quá trình xét xử yêu cầu ly hôn của các cặp đôi. Với các cặp đôi chung sống cùng gia đình bên vợ hoặc bên chồng thì các tranh chấp liên quan đến vấn đề xác định khối tài sản chung vợ chồng để chia còn phức tạp hơn nữa và thường bị kéo dài bởi vấn đề chia tài sản chung còn gắn liền với các mối quan hệ xung quanh vợ, chồng và có nhiều tình tiết rất khó làm sáng tỏ khi quá trình hình thành tài sản chung hoặc sự đóng góp của vợ hoặc chồng vào khối tài sản chung của Hộ gia đình diễn ra trong khoảng thời gian dài và hầu hết dựa trên mối quan hệ gia đình, tình cảm và hầu hết không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cộng với các mối quan hệ vợ chồng, gia đình theo truyền thống văn hóa của Việt Nam là các quan hệ kín mà chỉ có những người trong cuộc mới có thể thấu hiểu rõ được.
1. Chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn với trường hợp vợ chồng chung sống với gia đình qua các thời kỳ Luật HNGD tại Việt Nam
Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của ngành Luật HNGD tại Việt Nam qua các thời kỳ có thể thấy suốt một chiều dài lịch sử từ những quy định đơn sơ như Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/05/1950, Sắc lệnh số 159-SL ngày 17/11/1950 ghi nhận các quy định sơ khai về hôn nhân gia đình làm tiền thân của các luật hôn nhân và gia đình về sau cho đến Luật HNGD năm 1959 được Quốc hội khóa I thông qua ngày 29/12/1959 và các Luật HNGD về sau như Luật HNGD năm 1986, Luật HNGD năm 2001 và đến nay là Luật HNGD năm 2014 đều đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vấn đề chia tài sản khi ly hôn, đặc biệt là vấn đề chia tài sản vợ chồng khi ly hôn mà trước đó có chung sống với gia đình bên vợ hoặc bên chồng. Đi cùng các quy định tại các Luật HNGD nêu trên là các hướng dẫn, chỉ thị của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này qua nhiều giai đoạn cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan điều chỉnh. Qua tìm hiểu, tác giảấn tượng nhất là ngay từ Luật HNGD 1959 tại Điều 29 quy định về việc chia tài sản khi ly hôn cần căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình và ngày 22-02-1978, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 60/TATC và Chỉ thị số 69/TATC ban hành ngày 24-12-1979 nhằm hướng dẫn giải quyết các vấn đề trong hôn nhân trong đó đặc biệt quan tâm hướng dẫn các trường hợp chia tài sản khi vợ chồng chung sống cùng gia đình với nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cặp vợ chồng và đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của nhóm yếu thế là người vợ và con cái vì thông thường có nhiều khó khăn hơn đồng thời nhấn mạnh việc các Thẩm phán khi xét xử cần hết sức lưu ý bảo đảm quyền có nơi ở của các bên đương sự nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đất nước ở thời kỳ đó.
Sở dĩ vấn đề này được quan tâm xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và áp dụng pháp luật HNGD bởi xuất phát từ đặc trưng văn hóa của Việt Nam khi mô hình gia đình nhiều thế hệ rất phổ biến trong đời sống xã hội. Việc các cặp vợ chồng sau khi kết hôn chung sống cùng đại gia đình nhiều thế hệ là phổ biến. Họ cùng chung sống, cùng lao động, cùng đóng góp công sức vào việc tạo lập nên các khối tài sản chung của cả đại gia đình. Chính vì vậy, việc đặt ra các nguyên tắc và quy định liên quan đến việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình bên vợ hoặc bên chồng là vấn đề chính đáng và cần thiết nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Như vậy có thể thấy, việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình không phải là vấn đề mới mà đã được quy định qua Luật HNGD tại Việt Nam qua nhiều thời kỳ và qua mỗi giai đoạn phát triển, quy định về vấn đề này trong hệ thống pháp luật HNGD tại Việt Nam từng bước đã được phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tiễn tình hình đời sống xã hội Việt Nam qua mỗi thời kỳ.
2. Tôn trọng sự thỏa thuận là nguyên tắc hàng đầu khi giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp sống chung cùng gia đình
Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận là nguyên tắc hàng đầu của pháp luật dân sự và được cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành HNGD. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự trong việc giải quyết yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn là nguyên tắc chung nhất luôn được ưu tiên áp dụng. Đối với các trường hợp chia tài sản khi vợ chồng ly hôn mà vợ chồng có sống chung cùng gia đình bên vợ hoặc bên chồng, việc tôn trọng sự thỏa thuận giữa vợ chồng với nhau và giữa vợ chồng với các thành viên khác trong Hộ gia đình cũng chính là nguyên tắc hàng đầu được ưu tiên áp dụng và được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật HNGD hiện hành.
Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận này đã thể hiện ngay từ điểm tiến bộ đầu tiên của Luật HNGD hiện hành so với Luật HNGD của các giai đoạn trước đó là triệt để tôn trọng sự thỏa thuận của các cặp vợ chồng về chế độ tài sản vợ chồng thể hiện thông qua việc công nhận chế độ tài sản ước định hay còn gọi là chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Thỏa thuận của vợ chồng về chế độ tài sản được thực hiện theo quy định từ Điều 47,48,49,50 và 59 Luật HNGD hiện hành. Với các quy định này, vợ chồng có toàn quyền thỏa thuận về chế độ tài sản chứ không còn chỉ bị ràng buộc bởi chế độ tài sản theo luật định như Luật HNGD các giai đoạn trước. Điều này có nghĩa trước khi kết hôn mà các cặp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận và thỏa thuận về chế độ tài sản này không bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu thì nếu tại văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng có nội dung quy định về việc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án sẽ áp dụng các nội dung thỏa thuận này để chia tài sản vợ chồng khi ly hôn.
Vậy còn trường hợp vợ chồng không thiết lập thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn thì sao? Khi đó, Tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở các quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo luật định. Bên cạnh chế độ tài sản theo thỏa thuận, thì Luật HNGD tiếp tục ghi nhận chế độ tài sản theo luật định là nền tảng trong chế độ tài sản chung của vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật HNGD. Điều này là phù hợp với thực tiễn xã hội bởi mặc dù việc ghi nhận thỏa thuận thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn là đổi mới tiệm cận với pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ so với văn hóa của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù vợ chồng có lựa chọn chế độ tài sản ước định hay chế độ tài sản luật định thì nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của vợ chồng trong việc chia tài sản chung khi ly hôn cũng vẫn luôn là nguyên tắc hàng đầu được pháp luật công nhận và Tòa án nhân dân các cấp tôn trọng áp dụng khi giải quyết các yêu cầu về chia tài sản chung vợ chồng.
Việc áp dụng thỏa thuận chia tài sản trong cả hai tình huống nêu trên theo quan điểm của tác giả là không phân biệt tài sản. Cho dù là tài sản độc lập sở hữu của vợ chồng hay tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung với Hộ gia đình, khi xác định được thì cũng đều được chia trên cơ sở áp dụng nguyên tắc hàng đầu về việc tôn trọng sự thỏa thuận của các cặp vợ chồng nói riêng và nhìn rộng hơn là tôn trọng sự thỏa thuận giữa các cặp vợ chồng với các thành viên khác trong Hộ gia đình cùng sở hữu chung tài sản. Ưu tiên tôn trọng sự thỏa thuận vợ chồng và của các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi giải quyết yêu cầu chia tài sản là nguyên tắc hàng đầu được Luật HNGD kế thừa và áp dụng từ nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của đạo luật gốc là Bộ luật Dân sự. Chỉ khi các bên không thể đạt được sự thỏa thuận thì Tòa án mới áp dụng các nguyên tắc chia tài sản mà Luật HNGD và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để giải quyết tranh chấp về chia tài sản.
3. Vấn đề xác định tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của Hộ gia đình.
Ưu tiên tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự khi giải quyết yêu cầu chia tài sản như tác giảtrình bày ở trên là điều Nhà nước luôn mong muốn thực hiện và được cụ thể bởi hàng loạt quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng các bên đương sự xảy ra mâu thuẫn không thể tìm được tiếng nói chung, không thể thỏa thuận về việc xác định tài sản chung vợ chồng và thỏa thuận về việc chia tài sản là hiện tượng phổ biến đồng thời chiếm một tỷ lệ lớn trong số các tranh chấp mà Tòa án phải giải quyết trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Với các cặp vợ chồng sống chung cùng gia đình bên vợ hoặc bên chồng thì việc xác định khối tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của Hộ gia đình để tiến hành việc chia tài sản khi vợ chồng ly hôn là vấn đề không hề đơn giản trong quá trình Tòa án tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp. Sở dĩ xảy ra tình trạng này bởi gia đình theo truyền thống văn hóa của Việt Nam là các quan hệ khép kín mà chỉ có những người trong cuộc mới có thể thấu hiểu rõ được. Quá trình đóng góp công sức, tài sản của vợ chồng vào khối tài sản chung của Hộ gia đình thông thường đều diễn ra trong khoảng thời gian dài và hầu hết dựa trên mối quan hệ gia đình, tình cảm và thường không có tài liệu, chứng cứ chứng minh. Các tranh chấp liên quan đến vấn đề tài sản không còn dừng ở phạm vi cặp vợ chồng mà còn liên quan đến quyền, lợi ích của các thành viên khác trong Hộ gia đình khiến cho quá trình giải quyết tranh chấp thêm phức tạp cộng với tình trạng mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau, vợ chồng với các thành viên khác trong Hộ gia đình làm ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận chia tài sản Vấn đề khó khăn này cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết các tranh chấp về việc chia tài sản khi ly hôn của các cặp vợ chồng chung sống cùng gia đình bên vợ hoặc bên chồng.
Mặc dù nhà làm luật đã rất cố gắng trong việc xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có những hướng dẫn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đã cho thấy vẫn còn tồn tại rất nhiều điểm mờ trong quy định của pháp luật về vấn đề này gây khó khăn cho đương sự và cho chính các Thẩm phán trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Điều 61 Luật HNGD hiện hành quy định với các trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình bên vợ hoặc bên chồng mà sau đó ly hôn và có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp chia tài sản, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Vậy nhưng, như tác giảđã trình bày ở trên, làm thế nào để xác định được công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung của cả Hộ gia đình không phải là vấn đề đơn giản. Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNGD 2014 có hướng dẫn về việc xác định ““Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. Tuy nhiên, thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm cần được hiểu như thế nào là chính xác? Điều này có đồng nghĩa với việc ví dụ chồng đi làm có thu nhập 10 triệu đồng/ tháng thì vợ ở nhà trông con cũng được tính là có thu nhập là 10 triệu đồng/ tháng để làm cơ sở cho việc xem xét công sức đóng góp và phân chia tài sản? Nhiều trường hợp không thể chứng minh được công sức đóng góp vào tài sản chung của Hộ gia đình, đặc biệt phổ biến là tình trạng của phụ nữ sau khi kết hôn về chung sống với gia đình nhà chồng. Nhiều trường hợp vì quá mệt mỏi để giải quyết tranh chấp dẫn đến người vợ hoặc người chồng chấp nhận từ bỏ ra đi tay trắng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ và kéo theo là quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ án ly hôn. Ngoài ra, trên thực tiễn có rất nhiều trường hợp sau khi kết hôn thì vợ hoặc chồng nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung của Hộ gia đình mà đôi khi tài sản này hòa trộn không thể phân biệt được…để làm cơ sở xác định giải quyết tranh chấp chia tài sản khi vợ chồng ly hôn.
Trong số các tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở là phổ biến và cũng là các tranh chấp diễn ra gay gắt nhất. Đặc trưng văn hóa của người Việt Nam đa phần là các gia đình ổn định với bất động sản nơi mình đang sinh sống. Khi xảy ra sự việc ly hôn, thường rất khó thu xếp để hai vợ chồng đã ly hôn mà vẫn sống chung một nhà với nhau và với các thành viên khác trong Hộ gia đình hoặc nếu có thì xảy ra rất nhiều bất tiện. Khi đó, việc xác định được tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của Hộ gia đình là rất khó khăn và nhiều trường hợp giữa vợ chồng với các thành viên khác của Hộ gia đình rất khó tìm được tiếng nói chung để cùng thỏa thuận. Nguyên nhân của vấn đề này thường xuất phát từ việc nhà ở và quyền sử dụng đất là những tài sản có giá trị lớn, quá trình hình thành, chuyển nhượng phức tạp trong khi đó, trình độ và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn hạn chế dẫn tới tranh chấp gia tăng, việc xác định tài sản chung của vợ chồng trong khối tài sản của Hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn do nhiều trường hợp không có tài liệu chứng cứ chứng minh về quá trình đóng góp tạo lập tài sản dẫn đến hiện tượng nhiều vụ án các quyết định giải quyết tranh chấp mang màu sắc quan điểm cá nhân của Thẩm phán còn phổ biến.
4. Xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng trong giải quyết việc chia tài sản khi ly hôn
Theo quan điểm tư duy thông thường thì quyền lợi và nghĩa vụ thường đi song hành với nhau. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là khi vợ chồng được chia một phần tài sản trong khối tài sản chung của Hộ gia đình thì có đồng nghĩa với việc họ phải có trách nhiệm liên đới với các nghĩa vụ chung về tài sản của Hộ gia đình? Tính khả thi của việc buộc thi hành nghĩa vụ trong tình huống này cần được xem xét như thế nào là phù hợp?
Pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn thừa nhận mô hình kinh tế Hộ gia đình với các hoạt động kinh doanh của Hộ kinh doanh cá thể. Các quy định về tài sản chung của Hộ gia đình còn được quy định rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều này phản ánh một thực trạng là nhiều Hộ gia đình với nhiều thành viên cùng đóng góp, phân công lao động và phát triển kinh doanh. Tài sản, lợi ích thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh chung của Hộ gia đình trở thành tài sản chung của các thành viên trong Hộ gia đình và có thể phân chia được hoặc không thể phân chia. Áp dụng quy định tại Điều 61 Luật HNGD hiện hành thì vợ chồng có quyền thỏa thuận với các thành viên khác trong Hộ gia đình để xác định phần tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung này. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận hoặc phán quyết có hiệu lực của Tòa án trong tình huống này sẽ là cơ sở để xác định tài sản chung của vợ chồng và là căn cứ cho việc tiến hành chia tài sản khi vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật hiện đang chưa có các quy định cụ thể tình huống sau khi vợ chồng được chia tài sản từ khối tài sản chung của Hộ gia đình và sau đó tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nay xin ly hôn thì việc xác định các khoản nợ của vợ chồng được thực hiện như thế nào? Nếu hai vợ chồng có khoản nợ và cũng chỉ có duy nhất tài sản để thi hành nghĩa vụ chính là tài sản nằm trong khối tài sản chung của Hộ gia đình thì việc xử lý tài sản sẽ phải giải quyết ra sao nếu đó là các tài sản không thể phân chia? Quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong Hộ gia đình sẽ được bảo đảm như thế nào? Nếu chia tài sản cho vợ chồng xong mà sau đó mới phát sinh các nghĩa vụ xuất phát từ các giao dịch được xác lập trước thời điểm Hộ gia đình chia tài sản cho cặp vợ chồng đó thì làm thế nào để ràng buộc trách nhiệm của cặp vợ chồng được chia tài sản đặc biệt là trong bối cảnh họ đã ly hôn và không còn các ràng buộc về mặt pháp lý hay tình cảm? Ngoài ra, vấn đề quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản vợ chồng trong khối tài sản chung của Hộ gia đình có thể được thực hiện bởi Bên thứ ba có quyền yêu cầu cặp vợ chồng thi hành nghĩa vụ (ví dụ : Bên cho vay, Bên nhận thế chấp….) hay không? Các vấn đề này đặt ra yêu cầu cho các nhà làm luật cần nghiêm túc xem xét, đánh giá và đề ra giải pháp hoàn thiện nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự có liên quan chứ không chỉ riêng việc bảo đảm quyền và lợi ích của người vợ hoặc người chồng trong tình huống này.
Khái quát một số vấn đề nêu trên đã cho thấy trên thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình bên vợ hoặc bên chồng là vấn đề không hề đơn giản, chứa đựng nhiều khía cạnh và bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ liên quan chứ không thuần túy dừng lại ở mối quan hệ giữa vợ chồng. Các vướng mắc trên thực tế áp dụng quy định pháp luật chính là một phần của bức tranh đời sống được phản chiếu trở lại pháp luật đòi hỏi cần có quá trình tổng kết kinh nghiệm và nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc để tìm ra giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật.
LỜI KẾT
Gia đình là nơi để yêu thương, bao bọc và che chở cho mỗi người nhưng nếu không biết trân trọng và gìn giữ thì chính các xung đột trong quan hệ hôn nhân gia đình lại là giông bão cho mỗi người chúng ta. Ly hôn là giải pháp cuối cùng nhằm giải quyết xung đột giữa vợ chồng và nhìn rộng ra là nhằm bảo đảm quyền tự do hôn nhân đồng thời củng cố tính tự nguyện, tiến bộ của hôn nhân trong đời sống xã hội. Chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên đương sự và cũng giúp họ có tài chính, tài sản để tự chuẩn bị cho cuộc sống của bản thân mình cùng con cái cho cuộc sống sau ly hôn từ đó góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội. Mục đích của việc chia tài sản là tốt đẹp nhưng thực tiễn cuộc sống với muôn hình vạn trạng các mối quan hệ đan xen chi phối đời sống gia đình đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc Tòa án khi giải quyết các yêu cầu chia tài sản vợ chồng khi ly hôn đặc biệt là các trường hợp vợ chồng sống chung cùng gia đình bên chồng hoặc bên vợ. Các vướng mắc trên thực tế áp dụng quy định pháp luật chính là một phần của bức tranh đời sống được phản chiếu trở lại pháp luật đòi hỏi cần có quá trình tổng kết kinh nghiệm và nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc để tìm ra giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật mà trong phạm vi khuôn khổ của bài viết tác giả chưa thể triển khai. Do tầm hiểu biết còn hạn hẹp nên không tránh khỏi bài viết còn nhiều điểm thiếu sót, hạn chế, nhận định sai lầm. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp để bài viết được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn !
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu trong bài viết.
- Các trang tin, bài báo, bài viết nghiên cứu đã tham khảo:
- Luận văn Thạc sỹ “Chia tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam –thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện” – Nguyễn Thị Hạnh, Khoa Luật ĐHQGHN.
- Pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn – Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện – Ths. Nguyễn Tùng (Bài đăng trên trang tapchitoaan.vn ngày 03/09/2022
[1] Tác giả : CCV Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng VPCC Nguyễn Trang, Tp. Hải Phòng