Vai trò của Tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động công chứng

*Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với Công chứng viên tại Việt Nam, tác động của hoạt động tự quản nghề nghiệp và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật nhằm từng bước nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với Công chứng viên nhằm chất lượng hoạt động công chứng nói chung và chất lượng đội ngũ Công chứng viên Việt Nam trong tương lai.


Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang – Công chứng viên, Trưởng VPCC Nguyễn Trang – TP. Hải Phòng

Từ khóa: Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi); Công chứng; Công chứng viên; Mô hình công chứng; Hiệp hội Công chứng viên; Chất lượng đội ngũ Công chứng viên;…

Abstract: The article analyzes the self-governance role of social organizations and professions for notary publics in Vietnam, the impact of professional self-governance activities, and proposes solutions to improve legal regulations in order to gradually enhance the self-governance role of social organizations and professions for notary publics, aiming at improving the overall quality of notary public activities and the quality of the Vietnamese notary public workforce in the future.

Keywords:The draft amendment to the Notary Law; Notarization; Notary Publics; Notarial Model; Notary Public Association; Quality of the Notary Public…

Luật công chứng (LCC) số 53/2014/QH13 do Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20/6/2014 đã tạo ra những thay đổi, chuyển biến tích cực rất đáng hoan ngênh cho hoạt động công chứng nói chung và nghề công chứng tại Việt Nam nói riêng. Hoạt động công chứng đã thực chất đi vào đời sống xã hội, các CCV thông qua hoạt động nghề nghiệp đã đóng góp vào việc giữ gìn trật tự trị an của xã hội khi bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng/ giao dịch mình chứng nhận từ đó đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách hoạt động tư pháp tại nước ta theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp toàn quốc của các Công chứng viên Việt Nam, đại diện và bảo vệ quyền/ lợi ích hợp pháp của các Công chứng viên (CCV), Hội Công chứng viên (Hội CCV) là Hội viên của Hiệp hội, phát huy vai trò tự quản và phát triển đội ngũ Công chứng viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao chính là tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội. Tăng cường vai trò tự quản của Hiệp hội và Hội Công chứng viên các tỉnh/ thành phố là giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Công chứng viên theo đúng tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Với hơn 27 triệu hồ sơ công chứng hợp đồng/ giao dịch; gần 52 triệu việc chứng thực chữ ký giấy tờ/ tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính tạo nguồn thu từ phí công chứng là gần 8,5 nghìn tỷ đồng; gần 346 tỷ đồng từ phí chứng thực; gần 1,4 nghìn tỷ đồng thù lao công chứng; đóng góp vào số thuế nộp ngân sách nhà nước gần 1,7 nghìn tỷ đồng….vv… đã cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả của chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và cần tiếp tục đẩy mạnh phát huy. Đến nay, cả nước có 3.011 CCV (gồm 383 CCV của Phòng Công chứng (PCC) và 2.628 CCV của Văn phòng công chứng(VPCC); 1.295 Tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), trong đó có 120 PCC và 1.175 VPCC. Tại 63/63 địa phương đều có VPCC theo chủ trương xã hội hóa. Tính đến năm 2022 trên toàn quốc đã thành lập và đi vào hoạt động nề nếp, ổn định 60/63 Hội Công chứng viên (Hội CCV) các tỉnh/thành phố. Hội CCV các tỉnh/thành phố đã và đang từng bước kiện toàn nhân sự, cơ cấu tổ chức và từng bước phát huy vai trò tự quản tại địa phương dưới sự dẫn dắt của Hiệp hội CCV Việt Nam. Bên cạnh các tín hiệu tích cực như đã nêu trên vẫn còn tồn tại tình trạng có lúc, có nơi Hội CCV tỉnh/thành phố chưa nhận thức hết vị trí, vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển nghề công chứng, công tác phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước hiệu quả chưa cao. Vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV còn mức độ, một số việc còn chậm, Quy tắc hành nghề công chứng và Quỹ bồi thường thiệt hại để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên là CCV trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đủ bồi thường…còn chưa được ban hành và tổ chức như mục tiêu đề ra. Vẫn còn hiện tượng cả nể, e ngại, né tránh, thờ ơ hoặc bao che hành vi vi phạm của CCV là hội viên…vv..vv. Qua thực tiễn đã cho thấy sự sâu sát trong quản lý, giám sát, điều hành hoạt động của Hiệp hội CCV Việt Nam và Hội CCV các tỉnh/thành phố sẽ có tác động rất lớn đến chất lượng đội ngũ CCV Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Do vậy, tăng cường vai trò tự quản của Hiệp hội và Hội CCV các tỉnh/thành phố sẽ là yếu tố then chốt và là giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ CCV ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ quyền/ lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam trong tương lai. Để tiếp tục thúc đẩy và phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội và Hội CCV các tỉnh/thành phố, Hiệp hội CCV Việt Nam, kiến nghị:

          Thứ nhất, cần nghiêm túc xem xét nâng cao vai trò của Hiệp hội, Hội CCV về vấn đề quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với CCV. Thực tiễn hành nghề công chứng có rất nhiều trường hợp pháp luật quy định không rõ ràng hoặc mâu thuẫn, chồng chéo với nhau gây bối rối cho CCV. Nhiều trường hợp tập quán, phong tục địa phương vùng miền làm ảnh hưởng đến quá trình CCV giải quyết thủ tục công chứng. Hiến pháp 2013 quy định về thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc về Ủy ban thường vụ quốc hội (Điều 74). Tuy nhiên, công việc của CCV giải quyết hàng ngày còn phải tuân thủ theo quy định về thời hạn công chứng (Điều 43). Các vướng mắc về chuyên môn rất đặc thù cũng như quy định về thời hạn này nhiều khi không cho phép các CCV chờ đợi hướng dẫn, giải thích từ Ủy ban thường vụ quốc hội hoặc cơ quan liên quan và có những vướng mắc về chuyên môn hoặc đặc thù về vùng miền, địa phương thì không cơ quan nào hướng dẫn tốt và kịp thời hơn bởi chính Hiệp hội và Hội CCV tỉnh/thành phố. Việc công nhận vai trò hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Hiệp hội và Hội CCV tỉnh/thành phố sẽ là tiền đề tạo ra tính thống nhất về chuyên môn trong toàn thể các CCV và TCHNCC trên toàn quốc. Khi tất cả các CCV đều có chung quan điểm giải quyết công việc thì sẽ từng bước chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm giảm chất lượng văn bản công chứng. Các CCV chỉ có thể thực sự cạnh tranh phát triển nghề nghiệp bằng chính năng lực chuyên môn của bản thân qua đó từng bước nâng cao chất lượng văn bản công chứng, giảm thiểu rủi ro xảy ra tranh chấp cho các bên tham gia giao dịch được chứng nhận bởi CCV.

          Thứ hai, cần công nhận tính pháp lý của các hướng dẫn chuyên môn cũng như quy định về trình tự, thủ tục ban hành hướng dẫn của Hiệp hội, Hội CCV.

Quá trình hành nghề tác giả nhận thấy rằng có rất nhiều trường hợp pháp luật quy định không rõ ràng hoặc mâu thuẫn, chồng chéo với nhau. Nhiều trường hợp tập quán, phong tục địa phương vùng miền làm ảnh hưởng đến quá trình CCV giải quyết thủ tục công chứng. Hiến pháp 2013 quy định về thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc về Ủy ban thường vụ quốc hội (Điều 74). Tuy nhiên, công việc của CCV giải quyết hàng ngày còn phải tuân thủ theo quy định về thời hạn công chứng (Điều 43 LCC 2014). Các vướng mắc về chuyên môn rất đặc thù cũng như quy định về thời hạn này nhiều khi không cho phép các CCV chờ đợi hướng dẫn, giải thích từ Ủy ban thường vụ quốc hội và có những vướng mắc về chuyên môn hoặc đặc thù về vùng miền, địa phương thì không cơ quan nào hướng dẫn tốt và kịp thời hơn bởi chính các tổ chức nghề nghiệp của CCV là Hiệp hội CCV và Hội CCV. Thực tiễn đã cho thấy các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý đã hỗ trợ các Thẩm phán, Kiểm sát viên, cán bộ thực thi pháp luật giải quyết được rất nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ, việc bởi có lúc, có khi văn bản quy phạm pháp luật không kịp điều chỉnh nhiều vấn đề biến động trong xã hội. Hoạt động công chứng lại gắn liền với đời sống xã hội với muôn hình vạn trạng của các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân gia đình…vv..vv..đan xen một cách phức tạp mà không phải lúc nào văn bản quy phạm pháp luật cũng điều chỉnh được hết. Xuất phát từ đặc trưng nghề nghiệp này, thiết nghĩ, việc công nhận tính pháp lý của các văn bản hướng dẫn được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Hiệp hội CCV và Hội CCV các tỉnh/thành phố sẽ là tiền đề thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể các CCV trong toàn quốc từ đó bảo đảm quyền/ lợi ích hợp pháp của chính các CCV trong hoạt động hành nghề, bảo vệ quan điểm của ngành công chứng trước các cơ quan hành pháp/ tư pháp liên quan. Trường hợp CCV áp dụng hướng dẫn để giải quyết vụ việc mà sau đó các cơ quan tố tụng không công nhận văn bản công chứng được thực thi theo hướng dẫn thì Hiệp hội CCV, Hội CCV sẽ phải có trách nhiệm phối hợp với CCV trong giải quyết công việc tại cơ quan tố tụng với ý thức trách nhiệm rằng bảo vệ CCV cũng chính là bảo vệ quan điểm, uy tín nghề nghiệp của Hiệp hội, Hội CCV. Hàng năm CCV đều phải nộp hội phí theo quy định nhưng không phải hoạt động nào của Hiệp hội, Hội CCV cũng đều được tham gia và thực tế đã có nhiều TCHNCC, CCV khi có vướng mắc chuyên môn hoặc khi có tình huống xảy ra tranh chấp, phải đối diện với cơ quan tố tụng, báo chí..vv..vv thì đều phải tự mình giải quyết chứ ít khi có phát biểu bảo vệ quyền lợi hoặc hỗ trợ từ Hiệp hội, Hội CCV khi tham gia tố tụng. Việc công nhận giá trị pháp lý của các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ được ban hành bởi Hiệp hội và Hội CCV cũng là phương thức giúp nâng cao trách nhiệm vai trò tự quản của Hiệp hội và Hội CCV tỉnh/thành phố; từng bước đưa hoạt động của các tổ chức này thực sự đi vào thực tiễn nghề nghiệp chứ không dừng lại ở tính hình thức mà một số địa phương còn tồn tại. Ngoài ra, với việc quy định như trên cũng gắn trách nhiệm của Hiệp hội CCV, Hội CCV với các CCV..vv.vv. Để làm được điều này, tiêu chuẩn bổ nhiệm các CCV vào vị trí quản lý Hiệp hội, Hội đặc biệt là hội đồng chuyên môn cần phải được quy định chặt chẽ với các tiêu chí công khai, minh bạch nhằm bảo đảm chất lượng của đội ngũ nhân sự phụ trách chuyên môn, chọn lọc được các CCV có năng lực chuyên môn cao và kỹ năng hành nghề tốt; có đạo đức tác phong chuẩn mực và thực sự tâm huyết với sự phát triển của nghề công chứng ở Việt Nam tương tự như Hội đồng thẩm phán mà Luật tổ chức Tòa án nhân dân hiện đang quy định.

           Thứ ba, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội CCV Việt Nam đối với công tác đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng; kiểm tra và bổ nhiệm CCV.

Không đội ngũ kế cận Thẩm phán nào tốt hơn các Thư ký tòa án, không đội ngũ kế cận Kiểm sát viên cao cấp nào tốt hơn các Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp….Sở dĩ vậy bởi đội ngũ kế cận này được hàng ngày đào tạo, hướng dẫn, bồi đắp cả về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức hành nghề bởi chính các Thẩm phán và Kiểm sát viên. Nghề công chứng cũng vậy, không đội ngũ kế cận CCV nào tốt hơn chính các Thư ký nghiệp vụ được hàng ngày dìu dắt, đào tạo bởi chính các CCV thực tế hành nghề. Một CCV muốn thực thi tốt vai trò, nhiệm vụ trong hành nghề công chứng thì ngay từ khi còn là Thư ký nghiệp vụ phải liên tục cọ xát và thực thi công việc thực tế dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của các CCV nhiều năm kinh nghiệm. Ngược lại, các CCV có kinh nghiệm khi tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ Thư ký nghiệp vụ cũng tự mình trau dồi, nâng cao kiến thức pháp luật của bản thân nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động nghề nghiệp. Các sai sót trong hành nghề của các Thư ký nghiệp vụ (nếu có) thì chỉ có chính các CCV mới là người chỉ dạy tốt nhất bằng chính các kinh nghiệm, kỹ năng được trui rèn qua nhiều năm hành nghề. Páp luật công chứng hiện nay chưa luật hóa cụ thể vai trò của Hiệp hội đối công tác đào tạo hành nghề công chứng. Vai trò của Hiệp hội đối với công tác đào tạo hành nghề công chứng; khung chương trình/ nội dung/giáo trình đào tạo; quản lý công tác tập sự hành nghề công chứng; kiểm tra và bổ nhiệm CCV còn chưa được chú trọng đúng mức, chưa được luật hóa cụ thể, rõ ràng và còn khá mờ nhạt, chưa mang tính chất bắt buộc áp dụng và chưa quy trách nhiệm cụ thể của Hiệp hội đối với vấn đề này đã làm giảm phát huy vai trò tự quản nghề nghiệp của Hiệp hội trong công tác đào tạo, phát triển lực lượng nhân sự kế cận. Do vậy, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội CCV Việt Nam đối với công tác đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng; kiểm tra và bổ nhiệm CCV sẽ là giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng của đội ngũ CCV Việt Nam trong tương lai.

              Thứ tư, cần tích cực số hóa toàn bộ dữ liệu quản lý thông tin CCV trên toàn quốc hướng đến trao thẩm quyền cho Hiệp hội CCV Việt Nam trong việc phân bổ mật độ CCV hành nghề tại các địa phương để chấm dứt tình trạng chỗ thiếu, chỗ thừa như hiện nay.

Các số liệu tổng kết hoạt động công chứng, chứng thực được công bố thời gian qua là minh chứng cụ thể nhất cho tính hiệu quả và đúng đắn của chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Xét tổng quy mô CCV trên toàn quốc trên tổng số hồ sơ vụ việc được giải quyết cho thấy đội ngũ CCV hiện nay không hề thiếu mà hoàn toàn có thể đảm nhiệm được vai trò của mình, đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Đất nước ta đã đi qua giai đoạn thiếu CCV và các TCHNCC như giai đoạn bước đầu triển khai xã hội hóa hoạt động công chứng. Bài toán hiện nay cần giải quyết chính là điều chỉnh lại phân bổ mật độ CCV giữa các địa phương trên toàn quốc và khi đã phân bổ thì phải tạo được điều kiện, cơ hội để CCV phát triển hoạt động nghề nghiệp tại địa bàn được giao nhiệm vụ. Để thực hiện được vấn đề này, nhiệm vụ đầu tiên cần đặt trọng tâm giải quyết đó là Hiệp hội cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiến tới số hóa toàn bộ dữ liệu về CCV trên toàn quốc, xây dựng sơ đồ phân bổ lực lượng CCV trên toàn quốc. Hiệp hội cần được giao nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, điều chuyển công tác của CCV qua các tỉnh/ thành thông qua hoạt động trực tiếp của Hội CCV các tỉnh/thành phố và ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến việc điều chuyển/ luân chuyển công tác của CCV. Quỹ hỗ trợ Hội viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CCV làm việc tại địa bàn khó khăn; hỗ trợ bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên là Công chứng viên trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường…cần được gấp rút tạo điều kiện được xây dựng và đưa vào vận hành một cách đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Các chính sách hỗ trợ cho CCV, TCHNCC hoạt động tại địa bàn khó khăn cần được sự chung tay, ủng hộ của tất cả các cơ quan liên quan và bởi chính các CCV, Hội CCV thành viên Hiệp hội thông qua hoạt động của Quỹ hỗ trợ Hội viên. Ngoài ra, để CCV thực sự yên tâm khi trở về hành nghề tại các địa bàn mới chưa có TCHNCC đó là cần giao toàn bộ thẩm quyền chứng nhận hợp đồng/ giao dịch về cho các CCV, chấm dứt nhiệm vụ chứng thực của các UBND cấp xã đang thực hiện theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 hiện hành để CCV thực sự có cơ hội hành nghề tại địa bàn mình được giao trọng trách, có được nguồn thu nhập ổn định tự nuôi sống bản thân, gia đình và phát triển hoạt động của TCHNCC, không phải đối mặt với sự cạnh tranh về công việc đến từ chính UBND cấp xã nơi TCHNCC đặt trụ sở từ đó tạo tiền đề cho việc phủ sóng, phân bổ đồng đều, phù hợp số lượng CCV trên toàn quốc và chấm dứt tình trạng “chỗ thiếu, chỗ thừa”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCHNCC trong cùng một địa phương như tình trạng hiện nay.

Tạm kết :

Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cùng Hội CCV các tỉnh/thành phố là các tổ chức xã hội nghề nghiệp toàn quốc của các Công chứng viên Việt Nam, đại diện và bảo vệ quyền/ lợi ích hợp pháp của các Công chứng viên và đóng vai trò quyết định không nhỏ vào tầm phát triển của hoạt động công chứng tại Việt Nam trong tương lai. Đẩy mạnh phát huy vai trò tự quản và phát triển đội ngũ Công chứng viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao chính là tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội. Hiệp hội CCV Việt Nam mong rằng thông qua các đề xuất, kiến nghị tại báo cáo tham luận này sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động công chứng làm nền tảng cho sự phát triển chất lượng của đội ngũ CCV Việt Nam trong tương lai.

Tài liệu tham khảo :

1.Tổng kết 5 năm thực hiện Luật công chứng (link bài : https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=61834

  1. Đề nghị giữ nguyên quy định bắt buộc công chứng đối với các giao dịch liên quan đến nhà đất (link bài : https://dbndnghean.vn/de-nghi-giu-nguyen-quy-dinh-bat-buoc-cong-chung-doi-voi-cac-giao-dich-lien-quan-den-nha-dat-4028.htm)
  2. Khẳng định vị thế, vai trò của công chứng viên (link bài : https://dangcongsan.vn/phap-luat/khang-dinh-vi-the-vai-tro-cua-cong-chung-vien-510751.html)
  3. Phát huy vai trò tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên (link bài : https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/04/14/phat-huy-vai-tro-to-chuc-xa-hoi-nghe-nghiep-cua-cong-chung-vien/)
  4. Nâng cao vai trò tự quản của Tổ chức xã hội – nghề nghiệp công chứng viên (link bài : https://baophapluat.vn/nang-cao-vai-tro-tu-quan-cua-to-chuc-xa-hoi-nghe-nghiep-cong-chung-vien-post436466.html)