ĐẶT VẤN ĐỀ[1]
Quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế là các quyền cơ bản của mọi công dân được pháp luật bảo hộ và ghi nhận bởi Hiến pháp và pháp luật. Bộ luật Dân sự (BLDS) đã cụ thể hóa quy định các vấn đề về quyền sở hữu và quyền thừa kế tài sản. Các quy định này trong BLDS có tác động mạnh mẽ với rộng khắp các vấn đề trong đời sống kinh tế – xã hội. Với mục tiêu đưa BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên nền tảng tự do, tự nguyện, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của các chủ thể trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đồng thời ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế, xã hội như định hướng đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế BLDS năm 2005. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của pháp luật dân sự ở nước ta với nhiều điểm mới tích cực và một trong số đó là những điểm mới về quy định trong lĩnh vực thừa kế. BLDS 2015 đã kế thừa những điểm tích cực trong quy định về thừa kế của BLDS 2005 đồng thời cải tiến, bổ sung những điểm mới và loại bỏ những quy định chưa phù hợp về thừa kế tại BLDS 2005. Những điểm mới này qua thời gian áp dụng đã cho thấy sự tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế – xã hội.
I. SƠ LƯỢC VỀ VẤN ĐỀ THỪA KẾ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ TRƯỚC KHI ÁP DỤNG BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015
Việc chuyển giao tài sản giữa thế hệ trước dành tặng cho thế hệ sau là một nét đẹp văn hóa ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam và cũng là quyền hiến định của mỗi công dân được pháp luật ghi nhận qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc cho đến hiện nay được ghi nhận bởi Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Theo dòng chảy thời gian, pháp luật nước ta ngày càng được hoàn thiện và ghi nhận đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về vấn đề thừa kế nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn đời sống xã hội, có thể kể tiêu biểu một số giai đoạn phát triển như sau :
1. Giai đoạn trước năm 1945
Trong thời kỳ chế độ phong kiến và thực dân đô hộ ở Việt Nam, những bộ luật điển hình nhất được biết đến tới ngày nay có nhắc đến vấn đề thừa kế phải kể đến là Bộ Quốc triều hình luật dưới thời nhà Lê và và Bộ luật Gia Long dưới thời nhà Nguyễn. Bộ Quốc triều hình luật dành hẳn hai chương – Hộ hôn và Điền sản quy định về vấn đề hôn nhân, gia đình, ruộng đất trong đó chứa đựng các quy định về thừa kế, di chúc và hương hỏa… Đến Bộ luật Gia Long thời Nguyễn có bổ sung một số quy định về dân sự trong các lĩnh vực thừa kế nhưng đó chỉ là những bổ sung rất nhỏ lẻ, không mang tính hệ thống. Đến thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ đồng thời chia thành 3 kỳ là Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, thực dân Pháp đã ban hành ở mỗi kỳ một BLDS riêng để áp dụng và vấn đề thừa kế được quy định trong Bộ dân luật Bắc kỳ năm 1931 và Bộ dân luật Trung Kỳ năm 1936 áp dụng cho các tỉnh thuộc Trung kỳ. Như vậy, ở thời kỳ sơ khai xuất hiện pháp luật dân sự ở Việt Nam, các quy định về thừa kế đã là một phần được các triều đại thống trị ghi nhận một cách đơn sơ và phù hợp với bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam ở giai đoạn đó.
2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1980
Đây là giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc ta với dấu mốc quan trọng là ngày quốc khánh 02/09/1945 cùng bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Tiếp theo đó đây là giai đoạn trường kỳ kháng chiến của dân tộc với các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đất nước vừa giành lại được độc lập, Nhà nước vừa được thành lập còn non trẻ lại phải tập trung cho kháng chiến nên để điều hành công việc và điều chỉnh các giao lưu dân sự trong điều kiện và hoàn cảnh mới, nhiều sắc lệnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành. Quy định về vấn đề thừa kế nằm rải rác ở một số văn bản, tiêu biểu trong đó có Sắc lệnh 97/SL ngày 22/5/1950 về “Sửa đổi một sổ quy lệ và chế định trong Luật Dân sự”. Sắc lệnh này có 15 điều và đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong các bộ dân luật cũ nêu trên cho phù hợp với thực tế của xã hội nước ta trong thời kỳ đó. Riêng vấn đề thừa kế, sắc lệnh giành hai điều để quy định là Điều 10 và Điều 11 để quy định. Có thể thấy rằng vấn đề thừa kế mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam và luôn được quan tâm đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật qua các thời kỳ lịch sử.
3. Giai đoạn từ sau năm 1980 đến trước năm 1995
Nếu Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 là những bản Hiến pháp sơ khai và bước đầu ghi nhận quy định về thừa kế thì Hiến pháp năm 1980 là cột mốc đánh dấu sự ra đời của một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bài bản ở nước ta trong giai đoạn này. Trước bối cảnh đất nước chấm dứt chiến tranh và bắt đầu công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, nhiều luật và pháp lệnh được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ban hành nhưng dàn trải, khoanh vùng và thiếu tính hệ thống, đồng bộ. Riêng vấn đề thừa kế được quy định tại Pháp lệnh về thừa kế năm 1990 với 38 Điều đã làm nền tảng cho việc xây dựng các quy định về thừa kế trong một loạt BLDS thời kỳ sau này.
4. Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2005 cho tới nay áp dụng BLDS 2015
Năm 1995 đánh dấu mốc ra đời BLDS đầu tiên của nước ta, thống nhất các văn bản pháp luật quy định dàn trải về lĩnh vực dân sự trong các giai đoạn trước. Sự ra đời của BLDS năm 1995 là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn trong giai đoạn đổi mới xây dựng đất nước thời kỳ này, đặc biệt hướng tới xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế đất nước với kinh tế thế giới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giao lưu quốc tế. BLDS 1995 lần đầu tiên đã ghi nhận địa vị pháp lý của người nước ngoài tại Việt Nam, ghi nhận quyền sở hữu và thừa kế tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy của môi trường pháp lý – một yếu tố rất quan trọng không thể thiếu của môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung. BLDS 1995 được ban hành đã đánh dấu mốc một bước phát triển lớn trong quá trình lập pháp của Nhà nước ta, đặc biệt là các quy định về vấn đề thừa kế qua đó tạo lập hành lang pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh các quan hệ dân sự nói chung và vấn đề thừa kế tài sản nói riêng. Qua 10 năm áp dụng, BLDS 1995 đã phát huy tác dụng tích cực so với giai đoạn trước nhưng đồng thời cũng phát sinh những điểm hạn chế, không theo kịp với sự phát triển tương ứng của thực tiễn đời sống xã hội. Một số quy định không còn phù hợp, không rõ ràng hoặc quá chung chung hay mang nặng tính hành chính…vv..vv phần nào đã dẫn đến khó khăn cho quá trình áp dụng với thực tiễn. Nhằm khắc phục vấn đề này, năm 2005 Nhà nước đã ban hành BLDS 2005 thay thế cho BLDS 1995 với nhiều điểm mới tương thích với các Điều ước, thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu đa quốc gia trong giai đoạn này. Vấn đề thừa kế được đánh giá là một trong những quan hệ dân sự cơ bản, phản ánh những đặc trưng về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam đã được BLDS 2005 quy định cụ thể, chi tiết thành phần, chương cụ thể đặc biệt là các quy định về thừa kế theo pháp luật vẫn tiếp tục được BLDS 2015 kế thừa và phát huy. Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng này, một số quy định về thừa kế đã không được xây dựng đầy đủ trên nền tảng văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam, dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng. Ví dụ, quy định về di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng; quy định về quyền của vợ, chồng còn sống đối với tài sản chung và di sản của người chồng, người vợ đã chết; quy định về từ chối nhận di sản; quy định về giải thích nội dung di chúc; quy định về thừa kế thế vị…gây nhiều bất cập trong quá trình áp dụng vào thực tiễn. Ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa 13 đã thông qua BLDS 2015 có giá trị thi hành kể từ ngày 01/01/2017 thay thế cho BLDS 2005 và hiện nay vẫn đang có giá trị thi hành. BLDS 2015 đã dành Phần thứ tư (từ Điều 609 đến Điều 662) để quy định về vấn đề thừa kế theo trình tự bao gồm các quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản.
II. SO SÁNH VỚI VẤN ĐỀ THỪA KẾ GIỮA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005 VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015
Việc chuyển giao tài sản giữa thế hệ trước dành tặng cho thế hệ sau là một nét đẹp văn hóa ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam đồng thời là quyền hiến định của mỗi công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Phân tích của tác giả ở phần I nêu trên nhằm nhấn mạnh ý nghĩa vai trò của việc bảo đảm quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản của chủ tài sản cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thừa kế là một vấn đề luôn mang tính thời sự, được pháp luật qua nhiều giai đoạn, thời kỳ quy định, điều chỉnh về vấn đề này. Các điểm sáng về quy định về thừa kế trong các văn bản pháp luật của triều đại trước phải thừa nhận rằng vẫn tiếp tục được kế thừa trong các BLDS của Nhà nước ta các giai đoạn gần đây. Với BLDS 2015 là sự kế thừa những điểm tích cực của BLDS 2005 đồng thời cải tiến chặt chẽ, cô đọng hơn và điều chỉnh những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội mà BLDS 2005 còn thiếu sót, tồn tại. Phần thừa kế của BLDS 2015 có 53 điều trong đó sửa đổi 33 Điều của BLDS 2005 với 21 điều sửa đổi về từ ngữ, kỹ thuật và 12 điều sửa đổi về nội dung so với BLDS 2005 đã thể hiện sự kế thừa và đổi mới về nội dung của BLDS 2015.
Về cấu trúc quy định vấn đề thừa kế, BLDS 2005 và BLDS 2015 đều được thiết kế theo trình tự bao gồm phần các quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản. So với số lượng các điều luật của chế định về quyền thừa kế trong BLDS 2005, thì BLDS 2015 giảm ba điều quy định về di chúc chung của vợ chồng, gồm các Điều 663, Điều 664 và Điều 668 BLDS năm 2005. Quy định về vấn đề thừa kế theo pháp luật của BLDS 2005 được kế thừa toàn bộ, không có sửa đổi, bổ sung mà vẫn giữ nguyên tại Chương XXIII (từ Điều 649 đến Điều 655) BLDS 2015. Sở dĩ các quy định về thừa kế theo pháp luật được giữ nguyên vì qua quá trình áp dụng đã chứng tỏ được sự rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, được đông đảo xã hội chấp nhận và phù hợp cho quá trình áp dụng giải quyết các vấn đề thừa kế của các cơ quan liên quan trong thực tiễn đời sống xã hội. Song song với việc kế thừa và phát huy những điểm tích cực của BLDS 2005, BLDS 2015 đã có những đổi mới nhất định liên quan đến vấn đề thừa kế trong đó tập trung vào phần Quy định chung, các quy định về thừa kế theo di chúc và vấn đề thanh toán và phân chia di sản. Cụ thể như sau :
2.1 Về vấn đề quyền thừa kế di sản:
Vấn đề nổi bật nhất tại phần Quy định chung được sửa đổi trong BLDS 2015 so với BLDS 2005 đó là tại Điều 609 Quyền thừa kế. Nếu như Điều 631 BLDS 2005 chỉ thừa nhận quyền thừa kế của các cá nhân thì BLDS 2015 đã chính thức thừa nhận quyền hưởng thừa kế di sản theo di chúc của người thừa kế không phải là cá nhân. Đây là điểm mới nổi bật so với BLDS 2005 khi đã đề cao tối đa quyền định đoạt tài sản của chủ tài sản – người để lại di sản thừa kế. Như chúng ta đã biết, quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. BLDS là bộ luật xương sống trong hệ thống pháp luật đóng vai trò mạnh mẽ nhất trong việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân. Việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân không phải chỉ áp dụng khi chủ tài sản còn sống mà còn nhằm bảo đảm cả việc thực thi ý chí định đoạt tài sản của chủ tài sản sau khi họ đã qua đời thông qua các quy định về thừa kế tài sản. Trên thực tế, có những người không có bất cứ người thân thích nào để chuyển quyền thừa kế tài sản hoặc những người thân thích không yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho họ khi họ còn sống và họ phải nương tựa vào sự cưu mang, giúp đỡ của các tổ chức như các Trung tâm bảo trợ xã hội, các ngôi Chùa…. Do vậy, việc thừa nhận quyền hưởng thừa kế của những người thừa kế không phải là cá nhân như quy định tại Điều 609 BLDS 2015 đã hoàn thiện quy định về vấn đề quyền thừa kế, đề cao nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do định đoạt tài sản của chủ tài sản sau khi họ qua đời theo đúng tinh thần được quy định tại Hiến pháp 2013.
2.2 Về vấn đề quản lý di sản và thanh toán chi phí bảo quản di sản :
So với BLDS 2005, các quy định liên quan đến việc quản lý di sản cũng như quyền của người quản lý di sản cũng được cải tiến và bảo đảm tốt hơn theo BLDS 2015. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp sau khi chủ tài sản qua đời, phải mất một thời gian dài sau này những người được hưởng thừa kế mới được biết về di sản cũng như được biết về quyền hưởng thừa kế của mình. Trong khoảng thời gian đó, nhiều trường hợp di sản mà đặc biệt là bất động sản bị bỏ hoang hoặc không được những người thừa kế trông nom, quản lý. Vai trò của người quản lý di sản xuất hiện ở lúc này. Họ là những người có công sức trông nom, bảo quản, tôn tạo và gìn giữ tài sản thậm chí là đầu tư tiền bạc để xây dựng làm tăng giá trị của tài sản. Như vậy, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người quản lý di sản là vấn đề cần được pháp luật quan tâm. Điều 640 BLDS 2005 chỉ mới đặt ra vấn đề thanh toán thù lao cho người quản lý di sản là còn bỏ sót khi chưa tính toán đến những giá trị vật chất, tiền bạc mà người quản lý di sản (có thể) đã đầu tư vào tài sản trong quá trình trông nom. Qua 10 năm thi hành BLDS 2005, rất nhiều tranh chấp xảy ra giữa những người thừa kế với người quản lý di sản về vấn đề này. BLDS 2015 đã khắc phục thiếu sót này khi nhìn nhận rõ ràng hai vấn đề là công sức trông nom thì được hưởng thù lao, còn tiền/ vật chất mà người quản lý di sản đã đầu tư vào tài sản phải được tính là chi phí bảo quản di sản. Đây là hai vấn đề độc lập cần được tách biệt rõ ràng nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người quản lý di sản. Điều 618 BLDS 2015 đã quy định cụ thể vấn đề trên. Ngoài ra, vấn đề thanh toán chi phí cho việc bảo quản di sản cũng là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong việc thanh toán và phân chia di sản khi chỉ xếp sau chi phí mai táng và chi phí cấp dưỡng còn thiếu theo quy định tại Điều 658 của BLDS 2015 về thứ tự ưu tiên thanh toán. Trường hợp nếu giữa những người thừa kế và người quản lý di sản không đạt được thỏa thuận liên quan đến việc thanh toán thù lao, chi phí mà xảy ra tranh chấp thì Tòa án có thẩm quyền có thể xem xét quyết định để họ được hưởng một mức thù lao hợp lý căn cứ vào tùy loại tài sản, quy mô, giá trị, chủng loại tài sản, thời gian quản lý, thực trạng tài sản trong thời gian quản lý, tình hình an ninh, trật tự trong khu vực có tài sản là di sản thừa kế, tính phức tạp và mức độ phức tạp khi thực hiện việc quản lý di sản thừa kế mà người quản lý di sản phải thực hiện để bảo tồn tài sản…mà Tòa án quyết định mức thù lao hợp lý mà người quản lý di sản được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 618 BLDS 2015. Theo quan điểm của tác giả, đây là những vấn đề hết sức tiến bộ của BLDS 2015 so với BLDS 2005.
2.3 Về vấn đề từ chối nhận di sản :
Thay đổi quy định về vấn đề từ chối nhận di sản tại Điều 620 BLDS 2015 là một bước tiến rất đáng kể về kỹ thuật lập pháp so với BLDS 2005. Thời hạn để từ chối nhận di sản của người thừa kế trước đây theo quy định của BLDS 2005 chỉ là 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế (Điều 642). Đây là một vấn đề hết sức bất cập và không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Khi gia đình có người thân qua đời mà con cháu đã đặt ra vấn đề phân chia tài sản thì về truyền thống e là không phải đạo với người đã khuất hay nặng nề hơn còn bị dư luận xã hội đánh giá là bất hiếu, bất nghĩa với người để lại di sản. Ngoài ra, nhiều trường hợp có người thừa kế sinh sống ở nước ngoài không thể về Việt Nam thực hiện thủ tục, đặc biệt là trong các tình huống xảy ra dịch bệnh Covid như hiện nay khiến vài năm qua các chuyến bay quốc tế về Việt Nam bị đóng cửa, tạm ngưng hoạt động..vv..vv. Nhiều trường hợp đã qua 06 tháng nhưng người thừa kế vẫn không muốn nhận di sản thì pháp luật lại không có quy định để giải quyết, Tòa án cũng không thể thụ lý để giải quyết cho họ. Do vậy, quy định thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế như BLDS 2005 vô tình sẽ làm cản trở quyền lợi chính đáng của người thừa kế. Điều 620 BLDS 2015 đã mở nút thắt quy định này khi không đưa ra mốc thời gian cụ thể nữa mà chỉ xác định hai mốc là kể từ khi mở thừa kế cho đến trước thời điểm phân chia di sản. Đây là một điểm mà tác giả đánh giá là rất tiến bộ so với BLDS 2005, góp phần bảo đảm tốt hơn việc thực thi quyền lợi chính đáng của những người thừa kế di sản đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay với nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có tài sản ở Việt Nam nhưng không thể về Việt Nam thực hiện thủ tục theo quy định.
2.4 Về vấn đề thời hiệu thừa kế :
Thời hiệu thừa kế là một vấn đề rất nhạy cảm và rất được quan tâm khi nghiên cứu, áp dụng các quy định của BLDS vào thực tiễn. Nếu BLDS 2005 chỉ quy định thời hiệu là 10 năm tại Điều 645 thì Điều 623 BLDS 2015 đã nâng thời hiệu này lên 30 năm đối với di sản là bất động sản và 10 năm đối với di sản là động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hiệu nêu trên thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản, nếu không có thì sẽ thuộc về người chiếm hữu hoặc Nhà nước. Đối với động sản, thời gian 10 năm là phù hợp vì hầu hết là hết khấu hao giá trị sử dụng. Tuy nhiên, với bất động sản thì tính chất khác biệt nên quy định thời hiệu 10 năm là chưa thực sự phù hợp. Sau tổng kết 10 năm áp dụng thi hành BLDS 2005, vấn đề thời hiệu là một trong những vấn đề nổi cộm gây nhiều bức xúc trong dư luận và không có định hướng rõ ràng về phương án giải quyết nếu hết thời hiệu, khiến cho khi tranh chấp xảy ra các Tòa án và các cơ quan liên quan bị lúng túng trong áp dụng pháp luật, gây khiếu kiện kéo dài. BLDS 2015 đã giải quyết vấn đề này khi đưa ra các quy định cụ thể và kéo dài hơn thời hiệu đối với di sản là bất động sản. Điều này là phù hợp với thực tế giá trị sử dụng lâu dài của bất động sản và đặc trưng truyền thống văn hóa của người Việt Nam đây cũng là loại tài sản được truyền đời qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên hiện nay, sau một thời gian áp dụng quy định này về thời hiệu của BLDS 2015 về di sản là bất động sản cũng đã xảy ra nhiều bất cập, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn với truyền thống nhiều thế hệ chuyển giao thừa kế bất động sản lại cho nhau dẫn đến vẫn xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài khi những người thừa kế khác không chấp nhận việc người thừa kế đang quản lý di sản được hưởng toàn bộ di sản bởi vì nhiều lý do dẫn đến việc họ không thể/ không biết về việc thực hiện quyền thừa kế của mình với di sản. Vô hình chung, quy định như trên của BLDS 2015 đã nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi cho người thừa kế đang quản lý di sản và không bảo đảm lợi ích cho những người thừa kế còn lại. Theo quan điểm của tác giả, tiến tới việc tiếp tục sửa đổi BLDS 2015, quy định về thời hiệu thừa kế đối với di sản là bất động sản cần được kéo dài hơn và có những quy định hợp lý hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tất cả những người được hưởng thừa kế.
2.5 Về vấn đề di sản không có người thừa kế:
Trong trường hợp di sản không có người thừa kế thì BLDS 2005 và BLDS 2015 đều có quy định để giải quyết vấn đề này. Nếu như BLDS 2005 đặt ra quy định ngắn gọn tại Điều 644 rằng “Tài sản không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước” thì Điều 622 BLDS 2015 đã được thiết kế lại một cách uyển chuyển, mềm mại hơn về câu từ nhằm bao hàm ý nghĩa giải thích việc vì sao di sản không có người thừa kế thì sẽ thuộc về Nhà nước. Trên thực tế việc một gia đình vì nhiều lý do mà tất cả các thành viên đều qua đời, đặc biệt là ở thời điểm vừa qua khi xảy ra đại dịch Covid, rất nhiều gia đình toàn bộ các thành viên đều đã chết vì dịch bệnh và dự trù cho các tình huống xảy ra thiên tai, chiến tranh…trong tương lai, việc một di sản không còn bất cứ ai được hưởng thừa kế theo pháp luật là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, để tránh cho việc tài sản bị bỏ hoang gây lãng phí của cải cho xã hội, quy định di sản không có người thừa kế thuộc về Nhà nước là phương thức để giải quyết vấn đề này. Các quy định của hai BLDS đều đi đến đích trao quyền cho Nhà nước nhưng cách thức quy định như một mệnh lệnh của BLDS 2005 có đôi chút tạo cảm giác cứng nhắc, lạnh lùng và khó hiểu cho những người đọc và áp dụng pháp luật, chưa thực sự phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam, đôi khi tạo ra phản ứng tâm lý trái chiều trong dư luận. BLDS 2015 với quy định uyển chuyển hơn tại Điều 622 vẫn đưa tới đích trao quyền cho Nhà nước trong tình huống này nhưng đồng thời giúp người đọc, người áp dụng hiểu rõ hơn được lý do và các trường hợp thuộc quy định này.
2.6 Về vấn đề thừa kế theo di chúc:
Vấn đề thừa kế theo di chúc của BLDS 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung khác so với quy định trong BLDS năm 2005. Do giới hạn phạm vi của bài viết nên tác giả chỉ tập trung vào điểm khác biệt nổi bật nhất đó là không quy định vấn đề di chúc chung của vợ chồng mà BLDS 2005 đã quy định tại Điều 663. Theo nhận định của tác giả, đây là điểm đổi mới tiến bộ nhất về vấn đề thừa kế theo di chúc của BLDS 2015. Vợ chồng là những đồng chủ sở hữu tài sản nên có thể cùng lập di chúc chung để định đoạt tài sản của mình. Đây là điều hoàn toàn hợp lý trong thực tiễn và phù hợp với văn hóa, truyền thống cũng như các quy định về hôn nhân gia đình của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết” chính là điểm gây bất cập lớn nhất khi áp dụng vào thực tiễn của Điều 663 BLDS 2005. Tổng kết 10 năm thi hành BLDS 2005 đã cho thấy việc quy định di chúc chung vợ chồng như Điều 663 đã gây ra nhiều bất cập, làm cản trở quyền và lợi ích hợp pháp của người còn sống cũng như những người thừa kế di sản, chưa phù hợp với đời sống xã hội hiện đại. Với quy định này, các nhà làm luật muốn ngăn chặn sự mất ổn định trong quan hệ gia đình nhưng đó chỉ là ý chí chủ quan, không phù hợp với quan hệ xã hội hiện nay. Thực tế hiện nay, việc vợ hoặc chồng chết trước là một sự kiện phổ biến trong cuộc sống, hiếm có trường hợp mà cả hai người cùng lúc qua đời. Nhiều trường hợp người vợ hoặc người chồng qua đời khi còn rất trẻ. Như vậy, người còn lại phải chờ đợi bao nhiêu lâu để được thực thi quyền của mình đối với tài sản thuộc sở hữu của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng? Ngoài ra, khi xuất hiện người thừa kế theo di chúc có thể không phải đồng thời là người trong gia đình mà có thể là người ngoài gia đình, lúc này, những người thừa kế theo di chúc luôn quan tâm đến việc mình được hưởng bao nhiêu và khi nào được nhận di sản theo di chúc, nhưng người thừa kế theo di chúc chưa thể nhận di sản từ di chúc do vợ chồng lập chung mà người vợ hoặc người chồng còn sống. Quan hệ thừa kế di sản là quan hệ tài sản mang tính chất ý chí và ý chí của những người thừa kế là được chia di sản nhưng lại bị ngăn chặn bởi luật định. Quy định tại Điều 663 BLDS năm 2005 đã gián tiếp tạo ra những điều kiện cho những bất ổn trong quan hệ giữa những người thừa kế theo di chúc chung của vợ chồng và người quản lý di sản. Trên thực tế, Tòa án nhân dân các cấp trong thời gian từ năm 2006 đến nay, khi giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế liên quan đến di chúc chung của vợ chồng đã gặp không ít khó khăn về hiệu lực di chúc chung của vợ chồng. Vì vậy, BLDS năm 2015 đã không quy định về di chúc chung của vợ chồng là phù hợp với đời sống kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Điều này không đồng nghĩa với việc vợ, chồng không được lập di chúc riêng. Họ vẫn có quyền được lập di chúc cùng nhau nhưng khi ai qua đời thì phần tài sản thuộc sở hữu của họ được định đoạt theo di chúc sẽ có hiệu lực thi hành ngay mà không cần phải chờ đợi đến khi người còn lại qua đời như quy định tại BLDS 2005.
2.7 Về vấn đề hạn chế phân chia di sản:
Quyền định đoạt tài sản của chủ tài sản là quyền được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Khi chủ tài sản lập di chúc quy định về thời hạn phân chia di sản hoặc theo thỏa thuận của những người thừa kế thì phải hết thời hạn này di sản mới được phân chia. BLDS 2005 và BLDS 2015 đều ghi nhận và bảo vệ quyền này của người để lại di sản và người thừa kế. Quy định hạn chế phân chia di sản nhằm tôn trọng ý chí của người để lại di sản, của người thừa kế nhưng ngoài ra cũng trù liệu trường hợp việc phân chia di sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ/ chồng người chết. Quy định này mang ý nghĩa góp phần giữ ổn định các quan hệ tình cảm trong gia đình sau khi người để lại di sản chết và giúp khắc phục những khó khăn trong đời sống lao động, sản xuất nếu di sản được sử dụng trong quá trình này của những người thừa kế. BLDS 2005 quy định thời hạn là 03 (ba) năm, tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn có thể thấy khoảng thời gian này trong một số trường hợp còn ngắn, đặc biệt khi người để lại di sản chết khi còn trẻ và vợ/ chồng họ cũng còn rất trẻ, chưa đủ khả năng ổn định cuộc sống, đặc biệt là sau những mất mát về tình cảm khi vợ/ chồng qua đời. Do vậy, BLDS 2015 trù liệu vấn đề này và bổ sung thêm việc gia hạn thời gian một lần nhưng không quá 03 năm kể từ khi hết thời gian hạn chế phân chia di sản nêu trên. Đây là một điểm điều chỉnh rất nhân văn của BLDS 2015 so với BLDS 2005.
LỜI KẾT
BLDS 2015 ra đời đã có rất nhiều những sửa đổi, bổ sung, thay đổi tiến bộ so với BLDS 2005 đặc biệt là chết định về quyền thừa kế. Những thay đổi này đánh dấu sự tiến bộ về kỹ thuật lập pháp của nước ta trong giai đoạn mới, loại bỏ đi những quy định không còn phù hợp và bổ sung những quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ tài sản và quyền thừa kế của những người thừa kế qua đó góp phần giữ vững ổn định xã hội, đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận hơn với luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng hơi với thế giới và xã hội ngày càng phát triển với nhiều hình thức sở hữu tài sản và nhiều thành phần kinh tế cũng như nhiều công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có tài sản được hình thành ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không thể phân tích hết toàn bộ các điểm mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005 mà chỉ tập trung vào phân tích những vấn đề mà theo quan điểm của tác giả là nổi bật và tiến bộ nhất của BLDS 2015 so với BLDS 2005. Việc nắm bắt rõ các quy định của BLDS 2015 trong tương quan so sánh với các BLDS thời kỳ trước là việc hết sức cần thiết khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn giải quyết công việc của tác giả. Tuy nhiên, do tầm hiểu biết còn hạn hẹp nên các nhận định, quan điểm mà tác giả đưa ra trong phạm vi bài viết này chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm. Tác giả rất mong nhận được sự quan tâm và các ý kiến đóng góp để bài được hoàn thiện hơn. Xin trân trọng cảm ơn !
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu trong bài viết.
- Các trang tin, bài báo, bài viết nghiên cứu đã tham khảo:
- Các quy định về thừa kế trong Bộ Luật dân sự năm 2015 (Luật gia Trà Đình Phúc), bài đăng trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình ngày 06/10/2017;
- Điểm mới cần chú ý khi áp dụng chế định thời hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (Tác giả Doãn Thị Thu – Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình), Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ngày 18/04/2018;
- Bài đăng Pháp luật về thừa kế, Trang thông tin điện tử Sở tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 01/11/2012;
- Bài đăng Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài, Trang tin Tạp chí Tòa án;
- Bài đăng Di chúc hợp pháp không có công chứng, chứng thực (Tác giả Chu Xuân Minh – TANDTC), Trang tin Tạp chí Tòa án ngày 08/08/2019;
- Bài đăng “Chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự 2015” (Tác giả Trương Thị Thanh Nhàn – VKSND huyện An Dương), Trang tin Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng;
- Bài đăng “Một số vấn đề về thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự” (Tác giả Ths. Đặng Quang Dũng và Ths. Nguyễn Thị Minh), Trang tin Học viện Tòa án.
[1] Tác giả : CCV Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng VPCC Nguyễn Trang, TP Hải Phòng