Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền quy định như thế nào?

Ủy quyền là gì Ủy quyền (UQ) là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại khoản 3 Điều 139 Bộ Luật dân sự 2005. Cụ thể, tại điều khoản này quy định: “Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền”. Bộ luật dân sự 2015, có hiệu lực ngày 01/07/2017 tại Điều 135 quy định rõ hơn vấn đề này “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật. Trong cuộc sống không phải lúc nào cá nhân, nhóm cá nhân hoặc pháp nhân, người đại diện của tổ chức cũng có thể tự mình xác lập, tham gia các giao dịch, công việc hoặc các hoạt động khác. Do đó, UQ cho cá nhân, pháp nhân khác thay mặt đại diện để thực hiện một hoặc một số các nội dung trên là nhu cầu tất yếu và ngày càng nhiều trong cuộc sống. Ví dụ, Khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, người thành lập doanh nghiệp do không hiểu biết về mặt pháp lý hoặc do không nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan. Vì vậy, họ UQ cho cá nhân hoặc tổ chức có kinh nghiệm đại diện thực hiện thay cho mình.

Quy định về hình thức ủy quyền

Hình thức uỷ quyền (HTUQ) theo khoản 2 Điều 142 Bộ luật dân sự 2005 “do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản”. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 đã không còn quy định về vấn đề này. HTUQ chỉ còn tìm thấy gián tiếp tại khoản 1 Điều 140 về thời hạn đại diện “1.Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
  1. 2. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được xác định như sau:
  2. a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;
  3. b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện……”. Theo Điều 140 trên, pháp luật vẫn ghi nhận HTUQ bằng văn bản nhưng cũng không quy định việc ủy quyền không được thể hiện bằng hình thức khác.
Đối với HTUQ bằng văn bản, trong thực tế vấn đề còn nhiều tranh cãi và cần bàn luận là khi nào thể hiện dưới hình thức Giấy ủy quyền và khi nào là Hợp đồng ủy quyền.

Giấy ủy quyền

Tuy cả Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015 đều không có điều khoản hay quy định cụ thể nào về hình thức Giấy ủy quyền. Nhưng thuật ngữ “Giấy ủy quyền” lại được ghi nhận tại nhiều văn bản pháp luật khác. Ví dụ  theo khoản 1 Điều 107 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 “Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền”. Vì vậy khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ khác, chủ sở hữu ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục bằng giấy ủy quyền. Thuật ngữ “Giấy ủy quyền” cũng được ghi nhận tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 14/04/2014 về đăng ký xe “Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác”.

Một số văn bản khác quy định giấy ủy quyền 

Trước đây, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực ngày 08/12/2000 cũng đã ghi nhận hình thức Giấy ủy quyền tại Điều 48 như sau: 1.Việc Uỷ quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được uỷ quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng……
  1. Việc uỷ quyền không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì không phải lập thành hợp đồng Uỷ quyền mà có thể được lập thành giấy Uỷ quyền và chỉ cần người Uỷ quyền ký vào giấy Uỷ quyền.

Hợp đồng ủy quyền 

Hợp đồng ủy quyền được ghi nhận tại Mục 12 Chương XVIII, phần thứ ba Bộ luật dân sự 2005 và tiếp tục được ghi nhận tại Mục 13 Chương XVI, phần thứ ba Bộ luật dân sự 2015. Hợp đồng ủy quyền được định nghĩa là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền. Bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Khi nào sử dụng Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền

Như trên đã phân tích, cả hai HTUQ bằng văn bản đều được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, cần căn cứ cụ thể vào đối tượng công việc ủy quyền để xác định đúng HTUQ. Vì có những công việc khi ủy quyền, pháp luật quy định phải lập thành Hợp đồng ủy quyền và khi đó Bên ủy quyền và bên được ủy quyền phải tuân thủ hình thức này. Ví dụ: Việc ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Luật nhà ở 2014 quy định phải được lập thành Hợp đồng. Cụ thể “2. Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý, sử dụng nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền; nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền”. Việc ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 04/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Tuy nhiên nghị định này đã hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 29/2015/NĐ-CP có hiệu lực. Trích nguồn: https://lawkey.vn/giay-uy-quyen-hop-dong-uy-quyen/  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *