Nghiên cứu, đề xuất quy định để nâng cao trách nhiệm của Công chứng viên trong việc bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch

*Tóm tắt: Bài viết phân tích yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của mô hình công chứng nội dung đó là tính xác thực của các thông tin chứa đựng trong văn bản công chứng thông qua hoạt động xác minh thông tin của Công chứng viên; các khoảng trống bất cập trong quy định của pháp luật công chứng hiện hành đối với hoạt động xác minh thông tin của Công chứng viên đồng thời kiến nghị các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật nhằm từng bước tăng cường thẩm quyền, nâng cao trách nhiệm của Công chứng viên trong việc bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.


Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang – Công chứng viên, Trưởng VPCC Nguyễn Trang – TP. Hải Phòng

* Từ khóa: Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi); Công chứng; CCV; Mô hình công chứng; Chất lượng đội ngũ CCV; Xác minh; Xác thực…

*Abstract: The article analyzes the core elements contributing to the value of the notarized content model, namely the authenticity of the information contained within notarized documents through the information verification activities of Notaries; the existing gaps and shortcomings in the regulations of current notary law concerning the information verification activities of Notaries, along with recommendations for refining legal provisions to gradually enhance the authority and responsibility of Notaries in ensuring the authenticity and legality of contracts and transactions.

* Keywords: Draft Law on Notarization (amended); Notarization; Notary Public; Notary Public Office; Notary Public Team Quality; Verification; Authentication…

  1. Đặt vấn đề :

Luật công chứng số 53/2014/QH13 (LCC 2014) do Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20/6/2014 đã tạo ra những thay đổi, chuyển biến tích cực rất đáng hoan nghênh cho hoạt động công chứng nói chung và nghề công chứng tại Việt Nam nói riêng. Ngày 09/10/2013, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 84 của Liên minh công chứng Latin quốc tế (UINL) như một khẳng định cho việc Việt Nam lựa chọn mô hình công chứng nội dung. Với mô hình này, bất cứ tình tiết nào được đưa vào nội dung giao dịch Công chứng viên (CCV) đều phải có trách nhiệm xem xét căn cứ chứng minh và quyết định việc chứng nhận giao dịch trên cơ sở các tài liệu, căn cứ được đưa ra bởi các bên chứ không chỉ dừng lại ở việc chứng nhận năng lực, ý chí của chủ thể tham gia giao dịch cũng như thời gian, địa điểm thực hiện giao dịch của các bên. CCV chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản công chứng do mình chứng nhận. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh và bắt buộc chấp hành bởi các bên và cơ quan/tổ chức có liên quan. Do vậy, pháp luật quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV rất khắt khe; trình tự – thủ tục thực hiện việc công chứng của CCV được quy định rất cụ thể, chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng của văn bản công chứng từ đó phòng ngừa rủi ro cho các bên tham gia giao dịch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Với hệ thống pháp luật thành văn cũng như trong bối cảnh xã hội đang phát triển ở Việt Nam và trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận lớn người dân trong xã hội còn chưa cao thì định hướng theo đuổi mô hình công chứng nội dung của Nhà nước ta hiện nay được đánh giá là phù hợp giúp hạn chế, giảm thiểu tranh chấp trong xã hội và góp phần giảm tải áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hoạt động công chứng đã thực chất đi vào đời sống xã hội, các CCV thông qua hoạt động nghề nghiệp đã đóng góp vào việc giữ gìn trật tự trị an của xã hội khi bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng/ giao dịch mình chứng nhận từ đó đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách hoạt động tư pháp tại nước ta theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Có thể thấy, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đặt ra cho đội ngũ CCV là rất lớn với vai trò tương tự như một “Thẩm phán phòng ngừa” gác cổng an toàn cho hàng loạt giao dịch dân sự trong đời sống xã hội. Và để thực hiện được tốt vai trò, nhiệm vụ này thì bảo đảm tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch chính là mục tiêu hoạt động nghề nghiệp của CCV. Yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của mô hình công chứng nội dung đó là tính xác thực của các thông tin chứa đựng trong văn bản công chứng thông qua hoạt động xác minh thông tin của CCV. Chỉ khi CCV có thể xác minh được thì mới có cơ sở để nâng cao tính xác thực và chất lượng nội dung của văn bản công chứng. Tuy nhiên, pháp luật công chứng tại Việt Nam hiện hành còn tồn tại rất nhiều khoảng trống liên quan đến vấn đề thẩm quyền/ trách nhiệm/ trình tự/ thủ tục/ giá trị pháp lý của hoạt động xác minh thông tin do CCV thực hiện và không hề có bất cứ chế tài nào đặt ra đối với các hành vi gian dối/ cố tình cản trở/ chống đối việc cung cấp thông tin khi được CCV yêu cầu. LCC 2014 hiện nay trao cho CCV thẩm quyền được xác minh nhưng lại không ràng buộc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho CCV đối với các cá nhân, tổ chức liên quan khi được yêu cầu. LCC 2014 cũng không quy định trách nhiệm của các bên khi chậm cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, không chính xác cho CCV; không quy định rõ việc không cung cấp hoặc từ chối cung cấp thông tin cho CCV có được xếp là hành vi cản trở hoạt động công chứng, cản trở hoạt động nghề nghiệp của CCV hay không? Thực tế rất nhiều trường hợp CCV yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động công chứng nhưng không được trả lời, không phối hợp hoặc từ chối cung cấp thông tin không có lý do và chẳng phải chịu chế tài nào về hành vi này. CCV ở vào tình thế có quyền nhưng chẳng dễ để thực hiện quyền của mình. Nói cách khác, LCC 2014 trao quyền cho CCV nhưng lại không trao công cụ và cũng chẳng có quy định cụ thể công nhận giá trị pháp lý của hoạt động xác minh thông tin do CCV thực hiện trong quá trình hành nghề. Nếu các CCV không có cơ sở pháp lý để triệt để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động nghề nghiệp của mình là xác thực thông tin thì làm sao có thể đòi hỏi CCV phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung của giao dịch? Sự thiếu hụt các quy định này đã khiến các CCV bị đẩy vào tình thế buộc phải gánh trách nhiệm rất lớn với hàng loạt chế tài xử lý trong quá trình hành nghề mà đôi khi nguyên nhân lại xuất phát từ việc CCV bị các bên cung cấp thông tin/ tài liệu giả mạo/ gian dối hoặc không thể khai thác/ xác minh thông tin hoặc bị cản trở trong việc yêu cầu cung cấp thông tin bởi các bên liên quan hoặc bởi chính các cá nhân/ cơ quan/ tổ chức có thẩm quyền quản lý thông tin. Tùy tính chất mức độ mà CCV có thể bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; phải liên đới bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan hoặc thậm chí bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…vv.vv. Đây là một vấn đề hết sức bất cập đang tồn tại trong hệ thống pháp luật công chứng đòi hỏi cần thiết phải quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền xác minh thông tin và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên liên quan cho CCV trong hoạt động công chứng. Chỉ khi kiện toàn được các quy định này mới là nền tảng tốt nhất để hiện thực hóa mô hình công chứng nội dung và từ đó mới có thể đặt ra yêu cầu, đòi hỏi về trách nhiệm/ nghĩa vụ của CCV đối với tính xác thực của các nội dung chứa đựng trong văn bản công chứng.

Một vấn đề hết sức đáng lo ngại cần lưu tâm đó là tình trạng hiện nay có rất nhiều Tòa án tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng và công nhận các thỏa thuận ngầm được các bên cố tình thông đồng, gian dối CCV để thiết lập trái quy định của pháp luật. Thực trạng này xuất phát từ việc thiếu thiết chế cụ thể làm rõ những điều kiện để Tòa án được quyền tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng quy định tại Điều 5 LCC 2014. Khoản 3 Điều 5 Luật công chứng 2014 đã quy định văn bản công chứng đã có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh. Chiếu theo quy định này cần hiểu rằng văn bản công chứng đã được CCV chứng nhận phải có giá trị bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên liên quan đồng thời phải được các cơ quan liên quan và cơ quan tố tụng ưu tiên, triệt để công nhận và chấp thuận áp dụng. Tòa án chỉ có thể tuyên bố vô hiệu trong trường hợp chứng minh được vi phạm về trình tự/ thủ tục công chứng của CCV. Và cho dù có vi phạm về hình thức thì vẫn cần ưu tiên, triệt để tôn trọng, công nhận nội dung thỏa thuận của các bên đã được ghi nhận tại văn bản công chứng. Điều 5 LCC 2014 không làm rõ những điều kiện để Tòa án được tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng đã dẫn đến tình trạng hiện nay rất nhiều Tòa án công nhận những thỏa thuận ngầm giữa các bên tham gia giao dịch được thiết lập không chính thức bằng miệng, giấy tờ, tài liệu viết tay và tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng được chứng nhận bởi các CCV. CCV là những người am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm chuyên môn sâu về pháp luật dân sự; việc chứng nhận văn bản công chứng trải qua một loạt quy trình thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng và tuân thủ quy trình công chứng chặt chẽ, bài bản mà cuối cùng văn bản công chứng lại không có giá trị bằng những giao ước không chính thức như trên là một điều hết sức vô lý. Nhiều trường hợp các bên liên quan cố tình thông tin sai sự thật, cung cấp giấy tờ giả mạo, thông đồng cố tình lừa dối CCV để thiết lập các giao dịch dân sự nhưng đến khi tranh chấp xảy ra thì Tòa án lại tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng. Phổ biến nhiều nhất hiện nay là hiện tượng các đối tượng đi vay/ cho nhau vay tiền nhưng cố tình lừa đối CCV để giao kết hợp đồng chuyển nhượng/ mua bán tài sản, tranh chấp xảy ra thì lại xuất trình giấy tờ viết tay về việc cho vay tiền và rất nhiều Tòa án tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng trong tình huống này. Nhiều trường hợp còn liên lụy CCV, TCHNCC phải liên đới bồi thường thiệt hại hoặc dính vòng lao lý chỉ vì những hành vi gian dối của các bên liên quan. Đây là một vấn đề gây hoang mang, bức xúc rất nhiều trong đội ngũ các CCV tại Việt Nam thời gian qua, khiến các CCV mất niềm tin vào pháp luật khi không được bảo vệ và ngày càng ngần ngại trong quá trình hoạt động nghề nghiệp khi đáng lẽ ra chính các CCV phải là người được bảo vệ trong tình huống này. Thực trạng này đã tạo ra hàng loạt bất an, phản ứng tiêu cực về tâm lý cho một bộ phận CCV trong quá trình hành nghề khiến mất đi nhiệt huyết, không muốn hành nghề hoặc hoạt động cầm chừng vì quá nhiều rủi ro, cạm bẫy trong quá trình thực hiện công việc. Hiện tượng trên cũng đã gián tiếp tạo ra tiền lệ xấu coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, tạo đà cho tính gian dối, không trung thực và thiếu trách nhiệm trong quá trình giao kết hợp đồng. Đối với trường hợp tác giả vừa nêu, nếu giá trị chứng cứ của văn bản công chứng được Tòa án triệt để ưu tiên công nhận vì các bên đã tự nguyện thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán/ chuyển nhượng chứ không hề bị ép buộc, lừa dối thì phải chịu trách nhiệm với giao kết đó của mình và nếu có hành vi cố tình gian dối CCV thì tùy mức độ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi gian dối của mình, nếu hành vi gian dối đó gây thiệt hại cho CCV và TCHNCC thì phải bồi thường…thì chắc chắn không thể xảy ra tình trạng rất nhiều đối tượng cố tình gian dối trong khai báo, cung cấp thông tin/ tài liệu liên quan đến hồ sơ công chứng như hiện nay.

  1. Kiến nghị, đề xuất :

Để hiện thực quan điểm xác định mô hình công chứng tại Việt Nam là công chứng nội dung với trọng tâm bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng giao dịch thì tác giả kiến nghị là cần xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề thẩm quyền/ trách nhiệm/ trình tự/ thủ tục/ giá trị pháp lý của hoạt động xác minh thông tin do CCV thực hiện trong quá trình hành nghề; quy định cụ thể về chế tài nào đặt ra đối với các hành vi gian dối/ cố tình cản trở/ chống đối việc cung cấp thông tin khi được CCV yêu cầu; quy định cụ thể về điều kiện để Tòa án được tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng đã được CCV chứng nhận.

  1. Về thẩm quyền xác minh thông tin của CCV :

Có thể khẳng định, pháp luật hiện hành đã trao cho CCV có thẩm quyền xác minh thông tin. Tại khoản 5, Điều 40, Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau:

“Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.”

Tuy nhiên, như tác giả phân tích tại mục I, ngoài quy định này ra thì không có bất kỳ quy định hay văn bản pháp lý nào khác hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc xác minh thông tin của Công chứng viên: Thành phần tham gia xác minh gồm những ai? Địa điểm xác minh là ở đâu? Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm phối hợp xác minh với Công chứng viên? Quyền và nghĩa vụ của những người tham gia xác minh? Giá trị pháp lý và Giá trị sử dụng của Biên bản xác minh mà Công chứng viên đã thực hiện?

1.1 Đề xuất phương án triển khai:

Tác giả xin mạnh dạn đề xuất phương án triển khai hoạt động xác minh thông tin của CCV cụ thể như sau:

1.1.1. Về trình tự, thủ tục:

* Các biểu mẫu giấy tờ, tài liệu cần xây dựng phục vụ cho hoạt động xác minh thông tin:

– Thông báo, công văn, giấy mời đề nghị phối hợp xác minh thông tin đến các bên liên quan;

– Biên bản xác minh thông tin.

* Thời gian, địa điểm:

– Thời gian: Sau khi có đơn đề nghị xác minh thông tin của người yêu cầu công chứng hoặc trong trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ thì CCV quyết định việc tiến hành xác minh thông tin để làm rõ.

– Địa điểm xác minh: Nơi quản lý thông tin về nhân thân, về tài sản, về vụ việc cần xác minh làm rõ. Trường hợp việc xác minh thông tin liên quan đến người đã chết thì địa điểm xác minh có thể là nơi  thường trú cuối cùng trước khi chết của người để lại di sản, nơi người để lại di sản sinh ra, lớn lên…Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì có thể xác minh tại nơi tạm trú/ nơi sinh sống cuối cùng của người chết.

* Đối tượng, thành phần tham gia xác minh:

– Đại diện UBND xã/phường/thị trấn;

– Đại diện cơ quan/ tổ chức liên quan, trường hợp cần thiết CCV có quyền lấy ý kiến của các cá nhân độc lập, khách quan khác để làm rõ thông tin cần xác minh.

– Đại diện thôn: Trưởng thôn – là người có uy tín, được nhân dân trong thôn bầu ra để quản lý, nắm bắt, triển khai các công việc vì lợi ích chung của thôn.

– Đại diện dòng họ: Trưởng họ – là người uy tín trong dòng họ, quản lý gia phả, nắm bắt thông tin về các thành viên trong dòng họ

– Đại diện Tổ chức hành nghề công chứng: CCV, Thư ký nghiệp vụ. Trường hợp pháp luật công chứng quy định về vị trí/ nhiệm vụ của Thư ký nghiệp vụ thì CCV có quyền ủy quyền cho Thư ký nghiệp vụ hỗ trợ tiến hành hoạt động xác minh thông tin.

* Trình tự thực hiện:

– Bước 1: Thông báo về việc tiến hành xác minh thông tin

Ngay khi nhận được đơn đề nghị xác minh thông tin của người yêu cầu công chứng, TCHNCC gửi Công văn đề nghị phối hợp xác minh thông tin đến UBND xã/phường/thị trấn và gửi thong báo tham gia xác minh thông tin đến các đối tượng xác minh, cá nhân/ cơ quan/ tổ chức liên quan (nếu có) nêu rõ về lý do tiến hành xác minh, phạm vi xác minh, đối tượng xác minh và các vấn đề liên quan khác (nếu có).

– Bước 2: Tiến hành xác minh

Đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong thông báo, CCV và Thư ký nghiệp vụ có mặt tại địa điểm đã xác định trước để thực hiện việc xác minh thông tin với đối tượng xác minh, các cơ quan/ cá nhân/ tổ chức liên quan. Việc xác minh thông tin phải được lập thành Biên bản xác minh thông tin có đầy đủ chữ ký, xác nhận của những cá nhân/ tổ chức tham gia buổi xác minh. Cá nhân/ tổ chức cung cấp thông tin cho CCV chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, hợp pháp của các thông tin đã cung cấp.

1.1.2. Giá trị pháp lý của Biên bản xác minh thông tin:

– Biên bản xác minh được CCV, Thư ký nghiệp vụ lập có giá trị chứng cứ được công nhận trước pháp luật.

– Trong một số trường hợp, Biên bản xác minh có giá trị sử dụng thay thế cho các loại giấy tờ, tài liệu còn thiếu trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Những thông tin được ghi nhận trong Biên bản xác minh được phép sử dụng làm căn cứ để giải quyết hồ sơ công chứng cho người yêu cầu công chứng.

  1. Về chế tài đối với các hành vi gian dối/ cố tình cản trở/ chống đối không cung cấp thông tin cho CCV:

– Cần quy định rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan khi được CCV yêu cầu. Mọi hành vi gian dối/ cố tình cản trở/ chống đối không cung cấp thông tin cho CCV cần được hiểu là hành vi cản trở hoạt động công chứng. Tùy tính chất, mức độ của đối tượng có các hành vi trên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự; nếu gây thiệt hại cho CCV và TCHNCC còn phải bồi thường thiệt hại.

– Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân/ tổ chức có hành vi nêu trên tác giả kiến nghị áp dụng tương tự theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Mức xử lý hình sự kiến nghị cần được áp dụng xử lý theo quy định tại Điều 382 Bộ luật hình sự hiện hành về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.

– Việc bồi thường thiệt hại (nếu có) cho CCV, TCHNCC từ hành vi trên cần được áp dung triệt để theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của pháp luật dân sự.

Chỉ khi có các quy định cụ thể xác định hành vi gian dối/ cố tình cản trở/ chống đối không cung cấp thông tin cho CCV là hành vi cản trở hoạt động công chứng và có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với các đối tượng có hành vi này thì mới tạo được tính nghiêm minh trong hoạt động công chứng, từng bước chấm dứt các bất cập như tác giả đã nêu tại mục I.

 

 

  1. Về điều kiện để Tòa án được tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng:

– Cần làm rõ những điều kiện để Tòa án được quyền tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng quy định tại Điều 5 LCC 2014. Văn bản công chứng đã có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh thì đồng nghĩa phải có giá trị bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên liên quan đồng thời phải được Tòa án, các cơ quan liên quan và cơ quan tố tụng ưu tiên, triệt để công nhận và chấp thuận áp dụng.

– Tòa án chỉ có thể tuyên bố vô hiệu trong trường hợp chứng minh được vi phạm về trình tự/ thủ tục công chứng của CCV và cần ưu tiên, triệt để tôn trọng, công nhận nội dung thỏa thuận của các bên đã được ghi nhận tại văn bản công chứng.

– Trường hợp xảy ra vô hiệu về hình thức thì Tòa án phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm hiệu lực về nội dung của văn bản công chứng đã được các bên tự nguyện thỏa thuận, giao kết. Không công nhận các giao dịch ngầm giữa các bên khi các bên đã có hành vi cố tình thông đồng, gian dối trong quá trình cung cấp thông tin/ tài liệu cho CCV nhằm thực hiện giao dịch.

Tạm kết :

Yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của mô hình công chứng nội dung đó là tính xác thực của các thông tin chứa đựng trong văn bản công chứng thông qua hoạt động xác minh thông tin của CCV. Chỉ khi CCV có thể xác minh, làm rõ các thông tin liên quan đến hồ sơ yêu cầu công chứng được thì mới có cơ sở để nâng cao tính xác thực và chất lượng nội dung của văn bản công chứng. Muốn nâng cao trách nhiệm của CCV trong việc bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch thì cần song hành với việc trao thẩm quyền cho CCV trong vấn đề thẩm quyền/ trách nhiệm/ trình tự/ thủ tục/ giá trị pháp lý của hoạt động xác minh thông tin do CCV thực hiện trong quá trình hành nghề; quy định cụ thể về chế tài nào đặt ra đối với các hành vi gian dối/ cố tình cản trở/ chống đối việc cung cấp thông tin khi được CCV yêu cầu; quy định cụ thể về điều kiện để Tòa án được tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng đã được CCV chứng nhận. Chỉ khi kiện toàn được các quy định này mới là nền tảng tốt nhất để hiện thực hóa mô hình công chứng nội dung và từ đó mới có thể đặt ra yêu cầu, đòi hỏi về trách nhiệm/ nghĩa vụ của CCV đối với tính xác thực của các nội dung chứa đựng trong văn bản công chứng.