ĐẶT VẤN ĐỀ[1]
Quyền sở hữu là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự có ý nghĩa to lớn đối với mỗi người. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu luôn được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Vấn đề định đoạt tài sản của chủ sở hữu không chỉ dừng lại tại thời điểm mà chủ tài sản còn sống mà còn cả khi chủ tài sản đã qua đời mà di chúc là hình thức thể hiện đậm nét nhất quyền tự do định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Quá trình này được gọi là thừa kế hay nói cách khác đó chính là quá trình dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người đã chết sang người còn sống. Do đó có thể nói, thừa kế là một hiện tượng xã hội xuất hiện và tồn tại trong mọi chế độ xã hội tồn tại tư hữu tài sản. Khi chủ sở hữu tài sản qua đời mà họ không để lại di chúc định đoạt tài sản của mình thì di sản của họ sẽ được phân chia cho những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu trước khi qua đời họ lập Di chúc hợp pháp để định đoạt các vấn đề về thừa kế di sản của mình thì Di chúc đó luôn được tôn trọng và áp dụng trong quá trình giải quyết các vấn đề phân chia di sản mà họ để lại.
Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và ghi nhận quyền của chủ tài sản trong việc chỉ định người được hưởng thừa kế di sản của họ đồng thời cũng bảo đảm quyền của họ trong việc truất quyền thừa kế. Vấn đề truất quyền thừa kế không phải đến Bộ luật Dân sự 2015 mới được quy định mà đã xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề truất quyền thừa kế được quy định khá hạn chế và mới chỉ được nhìn nhận ở góc độ quyền của người lập di chúc. Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rất cơ bản về vấn đề truất quyền thừa kế và còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, cụ thể và cũng chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn chi tiết về vấn đề truất quyền thừa kế nên đã dẫn đến nhiều lúng túng cho việc áp dụng pháp luật khi giải quyết các tình huống trên thực tế đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, đánh giá toàn diện hướng đến hoàn thiện quy định của pháp luật.
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRUẤT QUYỀN HƯỞNG DI SẢN
- Truất quyền hưởng di sản là gì?
Từ “truất” là một động từ thể hiện hành vi tước bỏ không cho giữ, không cho hưởng địa vị, chức vụ hay quyền lợi nào đó. Với ý nghĩa này, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế có thể hiểu là hành vi của người lập di chúc không cho một hoặc nhiều người thừa kế được hưởng địa vị của người thừa kế, không cho hưởng quyền thừa kế di sản mà người lập di chúc để lại. Pháp luật không quy định về điều kiện để người lập di chúc được truất quyền hưởng di sản của người thừa kế đồng thời cũng không buộc người lập di chúc phải nêu rõ lý do của việc truất quyền hưởng di sản đối với người thừa kế của họ. Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào tình cảm cá nhân và vấn đề nội tại mối quan hệ giữa của người lập di chúc với người bị truất quyền hưởng di sản. Đây chính là điểm thể hiện rất rõ sự tôn trọng và bảo đảm của pháp luật đối với chủ tài sản trong việc thực hiện quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Tuy nhiên, cần lưu ý tránh nhầm lẫn khi đánh đồng việc truất quyền hưởng di sản với việc không chỉ định người hưởng di sản. Ví dụ, ông A có con là B và C. Ông A lập di chúc chỉ định cho B được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của mình và không nhắc đến C trong di chúc. Việc này không đồng nghĩa là C bị truất quyền hưởng di sản. Trong tình huống này, ông A không cho C được hưởng di sản bằng việc lập di chúc để định đoạt cho B được hưởng thừa kế toàn bộ di sản, C không được hưởng thừa kế di sản theo di chúc nhưng vẫn mang tư cách là người thừa kế theo pháp luật của ông A. Tư cách này của C kéo theo hàng loạt vấn đề về quyền, nghĩa vụ của C đối với di sản của ông A nếu xuất hiện các yếu tố phải giải quyết theo pháp luật. Qua ví dụ này có thể thấy hậu quả pháp lý của việc truất quyền hưởng di sản và việc không cho hưởng di sản sẽ khác nhau. Do vậy, truất quyền hưởng di sản được hiểu là việc người để lại di sản lập di chúc thể hiện ý chí của họ tước hoàn toàn địa vị của người thừa kế, không cho hưởng quyền thừa kế di sản mà người lập di chúc để lại hay nói cách khác người bị truất quyền hưởng di sản không còn là người thừa kế của người để lại di chúc truất quyền thừa kế của họ.
Chủ tài sản sau khi qua đời, di sản mà họ để lại sẽ được chuyển cho những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của họ. Trong quan hệ thừa kế, chủ thể của quan hệ này sẽ bao gồm người để lại di sản và người thừa kế di sản. Khi người để lại di sản lập di chúc định đoạt di sản của mình để lại thì pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền của họ trong việc định đoạt tài sản. Những những người thừa kế có nghĩa vụ thực hiện theo đúng chỉ định của người để lại di sản theo nội dung của di chúc. Người lập di chúc được pháp luật bảo vệ các quyền như chỉ định người được hưởng thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế được hưởng, quyết định di sản được dùng vào việc thờ cúng hoặc di tặng, chỉ định nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người quản lý di sản, người phân chia di sản, người lưu giữ di chúc và đặc biệt là truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Các quyền này của người lập di chúc được ghi nhận tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015. Vậy, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế là gì?
2. Vì sao pháp luật lại quy định về truất quyền hưởng di sản thừa kế?
Như tác giả đã trình bày tại phần mở đầu, thừa kế là quá trình dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người đã chết sang người còn sống. Thừa kế là một hiện tượng xã hội xuất hiện và tồn tại trong mọi chế độ xã hội tồn tại chế độ tư hữu tài sản. Xã hội Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vấn đề truất quyền hưởng di sản không phải đến Bộ luật Dân sự 2015 mới được quy định mà đã xuất hiện tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật thời kỳ trước. Ngay từ Thông tư 81-TANDTC ngày 24-7-1981 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế đã nhắc đến vấn đề này tại phần IV – Thừa kế theo di chúc rằng: “Phần di sản dành lại cho những người thừa kế bắt buộc, ít nhất là 2/3 của mỗi suất thừa kế theo luật. Nếu di chúc truất quyền truất quyền thừa kế của người thừa kế bắt buộc hoặc phần dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít hơn 2/3 suất thì phải chia cho đủ 2/3”. Tiếp theo quy định này, Pháp lệnh về thừa kế ngày 30/8/1990 đã bổ sung quy định về việc bảo vệ ý chí của người lập di chúc khi “Truất quyền hưởng di sản của một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật mà không nhất thiết phải nêu lý do.” Có thể nói, hai văn bản quy phạm pháp luật này là khởi đầu cho việc hoàn thiện các quy định về truất quyền hưởng di sản tại các Bộ luật dân sự (BLDS) tại Việt Nam ra đời sau đó. Kế thừa các quy định này, từ BLDS 1995 quy định trong Điều 651 về quyền của người lập di chúc: “Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế” và tiếp tục được giữ nguyên tại Điều 648 tại BLDS 2005 và đến nay là quy định tại Điều 626 BLDS 2015. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều quy định theo hướng truất quyền hưởng di sản là một trong các quyền của người lập di chúc. Vậy, vì sao pháp luật lại bảo vệ quy định về truất quyền hưởng di sản thừa kế trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dân sự tại Việt Nam?
Vấn đề định đoạt tài sản của chủ sở hữu không chỉ dừng lại tại thời điểm mà chủ tài sản còn sống mà còn cả khi chủ tài sản đã qua đời và di chúc là hình thức thể hiện đậm nét nhất quyền này của chủ sở hữu. Do vậy, truất quyền hưởng di sản chính là biểu hiện của việc pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng ý chí của chủ sở hữu trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình. Và cũng chính vì lý do này nên truất quyền hưởng di sản luôn gắn liền với chế định thừa kế theo di chúc chứ không xuất hiện trong chế định thừa kế theo pháp luật. Bởi di chúc mới chính là một hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của người lập di chúc trong việc định đoạt di sản của mình sau khi người đó qua đời. Tuy nhiên, trong một xã hội để bảo đảm trật tự và sự ổn định, mọi cái riêng phải tôn trọng cái chung hay nói cách khác, việc thực hiện quyền tự do định đoạt của chủ tài sản không được vượt quá các quy định của pháp luật hoặc vượt ngoài ranh giới của chuẩn mực đạo đức xã hội. Do đó, vấn đề truất quyền hưởng di sản theo di chúc cần được nhìn nhận dưới góc độ di chúc đó hợp pháp – tức là đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Chỉ khi di chúc đó được xác định hợp pháp thì việc truất quyền hưởng di sản buộc phải được thực hiện đúng theo ý chí chỉ định của người lập di chúc. Hay nói cách khác, mọi chủ tài sản có quyền tự do định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình sau khi họ qua đời nhưng là sự tự do trong khuôn khổ quy định của pháp luật để bảo đảm tính ổn định và duy trì trật tự của xã hội.
3. Địa vị pháp lý của người bị truất quyền hưởng di sản:
Người bị truất quyền hưởng di sản không đồng nghĩa là người không được quyền hưởng di sản. Những người không được quyền hưởng di sản có thể là do họ không được chỉ định hưởng thừa kế di sản theo nội dung chỉ định của chủ tài sản tại di chúc hoặc là không được hưởng di sản do họ có các hành vi vi phạm thuộc quy định tại Điều 621 BLDS 2015. Quy định tại điều này nhằm hướng đến việc loại trừ quyền hưởng di sản của những người có các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người để lại di sản như quyền được bảo đảm về tính mạng, sức khỏe, quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc…hoặc loại trừ những người có hành vi gian dối làm ảnh hưởng đến di chúc của chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, những người này vẫn sẽ được hưởng thừa kế di sản nếu người để lại di sản mặc dù đã biết hành vi đó của họ nhưng vì tình cảm nên vẫn cho họ được hưởng di sản theo di chúc. Ngược lại, người bị truất quyền hưởng di sản có thể có hoặc không có những hành vi nêu trên, nhưng khi người lập di chúc đã chỉ định truất quyền hưởng di sản của họ, thì cho dù không cần phải nêu rõ lý do cho việc truất quyền này, họ vẫn không được hưởng thừa kế di sản. Như vậy có thể thấy, địa vị pháp lý của người bị truất quyền hưởng di sản theo di chúc rất khác biệt với các trường hợp không được quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc không được hưởng thừa kế di sản theo quy định tại Điều 621 BLDS 2015 và vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố tình cảm của người lập di chúc. Khác biệt này được thể hiện qua nhiều khía cạnh như tư cách người thừa kế của họ trong xác định những người thừa kế của người để lại di sản khi giải quyết việc phân chia phần di sản thừa kế chưa được chỉ định theo di chúc hoặc phần di sản bị vô hiệu khi chỉ định theo di chúc hoặc người được nhận thừa kế theo di chúc nhưng lại từ chối nhận thừa kế di sản này hoặc người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc mà họ lại thuộc trường hợp quy định tại Điều 621 BLDS hoặc vấn đề thừa kế thế vị… dẫn đến phải phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Với những người bị truất quyền hưởng di sản, họ sẽ không còn là người thừa kế của người để lại di sản. Nên khi xảy ra các trường hợp nêu trên, họ sẽ bị loại ra khỏi danh sách những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản khi tiến hành việc phân chia di sản thừa kế.
II. TRUẤT QUYỀN HƯỞNG DI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT
Như đã phân tích tại phần I, việc truất quyền hưởng di sản luôn gắn liền với chế định thừa kế theo di chúc Do đó, xem xét hiệu lực của việc truất quyền hưởng di sản cần gắn liền với việc xem xét hiệu lực và tính hợp pháp của di chúc. Chỉ khi di chúc đó được xác định hợp pháp thì việc truất quyền hưởng di sản mới có ý nghĩa và được thực thi theo đúng chỉ định của người lập di chúc. Do đó, khi đánh giá các quy định về truất quyền hưởng di sản và thực tiễn áp dụng pháp luật cần xem xét dưới góc độ đánh giá tính hợp pháp của di chúc theo quy định của BLDS 2015. Điều 630 BLDS 2015 đã quy định về các điều kiện để di chúc được công nhận tính hợp pháp bao gồm các điều kiện về nội dung và hình thức của di chúc. Tương ứng với các quy định này có thể hiểu rộng ra, việc truất quyền hưởng di sản chỉ được công nhận khi được ghi nhận bởi di chúc đáp ứng đủ các điều kiện hợp pháp của pháp luật. Cụ thể :
1. Việc truất quyền hưởng di sản chỉ hợp pháp khi người truất quyền hưởng di sản lập di chúc trong trạng thái tinh thần phù hợp theo quy định của pháp luật. Vấn đề này phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 630 BLDS 2015. Người truất quyền phải lập di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Đây có thể được coi là yếu tố tiên quyết quyết định tính hợp pháp của các giao dịch dân sự nói chung và di chúc nói riêng. Khi xuất hiện bản di chúc có nội dung truất quyền hưởng di sản mà có căn cứ xác định được người truất quyền lập di chúc đó trong tình trạng không minh mẫn, sáng suốt, không đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình, không biết đọc biết viết mà di chúc được lập không có sự chứng kiến của người làm chứng hoặc không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì di chúc đó được xác định là không hợp pháp đồng nghĩa với việc truất quyền hưởng di sản theo di chúc đó không được công nhận và thực thi trên thực tế khi tiến hành việc phân chia di sản thừa kế của người đó để lại.
2. Việc truất quyền hưởng di sản chỉ có hiệu lực khi nằm trong khuôn khổ pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Vấn đề này phù hợp với quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 630 BLDS 2015. Mọi chủ tài sản có quyền tự do định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình sau khi họ qua đời nhưng là sự tự do trong khuôn khổ quy định của pháp luật để bảo đảm tính ổn định và duy trì trật tự của xã hội. Cho dù di chúc của họ được lập ra đáp ứng các điều kiện khác theo quy định nhưng lại chứa đựng nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì di chúc đó có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu phần nội dung vi phạm kéo theo hậu quả pháp lý của việc truất quyền hưởng di sản cũng bị ảnh hưởng theo. Nếu di chúc đó vô hiệu toàn bộ thì việc truất quyền hưởng di sản cũng vô hiệu và không được thực thi trong quá trình thực hiện việc phân chia di sản thừa kế. Nếu di chúc vô hiệu một phần (ví dụ ông A có hai con là B, C và ông lập di chúc truất quyền hưởng di sản của B đồng thời chỉ định C là người được hưởng di sản với điều kiện C phải đi giết người để được hưởng thừa kế di sản mà ông A để lại….vv…vv) thì phần nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội sẽ không có hiệu lực, phần còn lại không vi phạm sẽ có hiệu lực thi hành. Hay nói cách khác, nếu di chúc được xác định là vô hiệu một phần nhưng phần truất quyền hưởng di sản vẫn có hiệu lực thì vẫn phải thực thi chỉ định này của người truất quyền hưởng di sản đối với người bị truất quyền hưởng di sản mà không cần giải thích lý do vì sao họ quyết định truất quyền hưởng di sản của người này.
3. Việc truất quyền hưởng di sản chỉ có hiệu lực khi người truất quyền hưởng di sản có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc nếu chưa đủ tuổi thành niên thì việc lập di chúc của họ phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Vấn đề này phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 630 BLDS 2015. Pháp luật Việt Nam hiện hành bảo vệ quyền có tài sản riêng của trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, do người chưa thành niên là nhóm người thuộc độ tuổi chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất, hành vi và năng lực nhận thức do đó có nhiều giao dịch dân sự được nhóm người thuộc độ tuổi này thiết lập pháp luật quy định buộc phải có sự chấp thuận của người đại diện theo pháp luật của họ hoặc người giám hộ. Quy định này nhằm bảo đảm các quyết định của họ được thông qua sau khi đã có được sự hỗ trợ, tư vấn bởi những người trưởng thành với đầy đủ khả năng nhận thức và đánh giá sự vật, hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội và nhằm bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Một cá nhân được pháp luật công nhận là người đã trưởng thành và có quyền tự do định đoạt mọi vấn đề trong đời sống của mình khi họ đã đủ 18 tuổi và không thuộc trường hợp bị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố họ bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, điều khiển hành vi. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, pháp luật chỉ thừa nhận quyền của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc đồng ý hoặc không đồng ý cho nhóm người chưa thành nên lập di chúc chứ không đồng nghĩa với việc thừa nhận quyền được can thiệp vào quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của họ hoặc can thiệp trực tiếp vào nội dung của di chúc. Ở đây xuất hiện một vấn đề mà pháp luật hiện còn đang bỏ ngỏ chưa có quy định cụ thể như sau : nếu vì một lý do tình cảm nào đó, người chưa thành niên muốn truất quyền hưởng di sản của cha, mẹ nhưng vì việc lập di chúc của họ phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ mà những người này khi biết nội dung này và không đồng ý với sự định đoạt ấy nhưng họ chỉ tuyên bố là “không đồng ý cho lập” thì di chúc đó vẫn bị coi là không hợp pháp. Như vậy, thì quyền tự do ý chí định đoạt tài sản của người lập di chúc có được bảo đảm toàn vẹn như tinh thần của pháp luật dân sự vẫn luôn đề cao? Ngoài ra, không hiếm các trường hợp mặc dù người lập di chúc thuộc nhóm đối tượng này còn cha, mẹ nhưng vì một lý do nào đó họ đồng thời lại có cả người giám hộ thì trong trường hợp này việc lập di chúc cần có sự đồng ý của ai? Tác giả hiện công tác trong lĩnh vực công chứng, đây là một trong các vấn đề vướng mắc cần được hướng dẫn, làm rõ để có thể áp dụng khi thực hiện thủ tục công chứng di chúc cho nhóm đối tượng này nhằm bảo đảm tính hợp pháp của di chúc cũng như tính khả thi của việc thực thi quyền tự do định đoạt tài sản của các chủ sở hữu tài sản thuộc nhóm đối tượng này.
4. Việc truất quyền hưởng di sản có hiệu lực khi được chỉ định trong di chúc phù hợp với quy định về hình thức .Vấn đề này phù hợp với quy định tại Điều 627 và khoản 4, khoản 5, Điều 630 BLDS 2015. Điều 627 BLDS 2015 quy định hai hình thức là di chúc được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng. BLDS 2015 cũng đồng thời quy định một loạt các điều kiện để di chúc được công nhận hiệu lực về hình thức tương ứng với từng loại di chúc.
+ Đối với di chúc được lập thành văn bản :
Di chúc được lập thành văn bản có rất nhiều loại khác nhau như : di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực. Tương ứng với mỗi loại di chúc này thì người lập di chúc cũng phải tuân theo các quy định về thể thức trình bày, trình tự và thủ tục mà pháp luật liên quan có quy định tương ứng với từng loại di chúc đó. Ví dụ : nếu di chúc được lập bằng văn bản có công chứng thì việc lập di chúc phải tuân theo trình tự, thủ tục mà Luật công chứng và văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định. Điều 636 của BLDS 2015 lại chứa đựng quy định về trình tự, thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, BLDS được hiểu là đạo luật gốc quy định về nội dung thì việc quy định về trình tự thủ tục trong BLDS như vậy liệu đã phù hợp với tính chất, vai trò của đạo luật này hay chưa? Vấn đề này cũng ảnh hưởng rất nhiều cho việc Tòa án xác định tính hợp pháp về hình thức của Di chúc kéo theo xác định công nhận vấn đề truất quyền hưởng di sản khi có tranh chấp xảy ra.
+ Đối với di chúc miệng :
Di chúc miệng được thừa nhận tính hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của BLDS 2015. Khoản 1, Điều 629 BLDS 2015 quy định về di chúc miệng như sau: “Trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe doạ và không thể lập di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng”. Như vậy, trong tình huống đặc biệt này, pháp luật thừa nhận quyền của người lập di chúc thực hiện việc truất quyền hưởng di sản thông qua tuyên bố bằng miệng của họ. Mặt khác, ngoài việc tuân thủ điều kiện có hiệu lực nói chung của di chúc thì khoản 5, Điều 630 BLDS 2015 xác định điều kiện để một di chúc miệng được công nhận tính hợp pháp như : người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng; ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng phải dược những người làm chứng ghi lại thành văn bản và cùng ký tên hoặc điểm chỉ; văn bản ghi lại di chúc miệng phải được công chứng viên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 629 BLDS 2015 thì di chúc miệng chỉ được chấp nhận khi lập ra trong tình trạng tính mạng của người để lại di sản bị cái chết đe dọa làm cho họ không thể lập di chúc bằng hình thức văn bản. Vậy, khi người lập di chúc ở trong trạng thái tính mạng bị đe dọa, liệu có bảo đảm được yếu tố minh mẫn, sáng suốt và khả năng tự nhận thức, làm chủ hành vi của họ như quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 630 BLDS? Rồi tiếp theo quy định tại Điều 629 BLDS thì di chúc miệng coi như bị hủy bỏ trong trường hợp: “Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ”. Đến đây, vấn đề tác giả xin tiếp tục nhắc lại vấn đề BLDS được hiểu là đạo luật gốc quy định về nội dung thì việc quy định về trình tự thủ tục trong BLDS như vậy liệu đã phù hợp với tính chất, vai trò của đạo luật này hay chưa? Tại sao lại là 05 ngày? Tại sao lại là 03 tháng? Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn nào cho việc lựa chọn các mốc thời gian này để đưa vào quy định? Ngoài ra, trong quá trình công tác trong lĩnh vực công chứng, tác giả nhận thấy các quy định về việc hủy bỏ di chúc miệng đang xung đột với quy định của pháp luật công chứng, chứng thực hiện hành khi mà văn bản đã được công chứng, chứng thực chỉ có thể bị hủy bỏ khi người lập văn bản đó tiến hành thủ tục hủy bỏ tại tổ chức đã thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực văn bản.
III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TRUẤT QUYỀN HƯỞNG DI SẢN
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về truất quyền hưởng di sản, tác giả mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về truất quyền hưởng di sản như sau :
1. Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề truất quyền hưởng di sản:
Như tác giả đã phân tích, mặc dù vấn đề truất quyền hưởng di sản đã được quy định trải dài tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng cho đến nay vẫn không có bất cứ điều luật nào quy định về những vấn đề liên quan đến việc truất quyền nên đã dẫn đến trên thực tế tồn tại nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về truất quyền hưởng di sản. Tình trạng này đã dẫn đến sự khác biệt, thiếu thống nhất trong áp dụng quy định về truất quyền hưởng di sản khi giải quyết các thủ tục công chứng, chứng thực hoặc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Trong thời gian BLDS 2015 chưa được thay thế bằng BLDS mới, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể về việc truất quyền hưởng di sản.
Các vấn đề cần được quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết bao gồm vấn đề chủ thể lập di chúc hiện vướng mắc ở nhóm độ tuổi chưa thành niên theo quy định tại Điều 630 BLDS như tác giả đã trình bày đặc biệt là phạm vi cần có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người lập di chúc thuộc nhóm tuổi này để bảo đảm tôn trọng ý chí tự do tự định đoạt tài sản và truất quyền hưởng di sản của họ. Cần sớm ban hành quy định nhằm xác định rõ thời điểm có hiệu lực của việc truất quyền cũng như quy định rõ về hậu quả pháp lý của việc truất quyền hưởng di sản….
2. Loại bỏ các quy định về trình tự, thủ tục lập di chúc khỏi BLDS 2015
Hình thức của di chúc là một trong các yếu tố quyết định hiệu lực của di chúc như tác giả đã phân tích ở trên. Đây là một trong các vấn đề rất quan trọng quyết định việc truất quyền hưởng di sản có hiệu lực và được thực thi hay không. Tuy nhiên, như tác giả đã phân tích tại bài viết này, BLDS là đạo luật gốc quy định về nội dung còn trình tự, thủ tục thuộc về pháp luật hình thức – tức là thuộc về pháp luật chuyên ngành. Do đó, cần loại bỏ các quy định về trình tự, thủ tục lập di chúc khỏi BLDS 2015 và sửa đổi quy định của Điều 627 BLDS 2015 về hình thức của di chúc theo hướng: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trình tự, thủ tục lập di chúc được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về công chứng, chứng thực”
KẾT THÚC.
Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự nhằm thực hiện sự bảo đảm và tôn trọng quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Vấn đề truất quyền thừa kế đã xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật qua nhiều thời kỳ tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng nên vẫn chỉ quy định rất chung chung, cơ bản và còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, cụ thể và cũng chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn chi tiết về vấn đề truất quyền thừa kế nên đã dẫn đến nhiều lúng túng cho việc áp dụng pháp luật khi giải quyết các tình huống trên thực tế. Các vướng mắc trên thực tế áp dụng quy định pháp luật chính là một phần của bức tranh đời sống được phản chiếu trở lại pháp luật đòi hỏi cần có quá trình tổng kết kinh nghiệm và nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc để tìm ra giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật mà trong phạm vi bài viết tác giả chưa thể triển khai. Do tầm hiểu biết còn hạn hẹp nên không tránh khỏi bài viết còn nhiều điểm thiếu sót, hạn chế, nhận định sai lầm. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp để bài viết được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn !
*******************
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu trong bài viết.
- Các tài liệu, bài viết nghiên cứu đã tham khảo:
- Giáo trình Luật dân sự Việt Nam;
- Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 (TS. Nguyễn Minh Tuấn)
- Pháp luật thừa kế ở Việt Nam – Nhận thức và áp dụng (PGS.TS Phùng Trung Tập);
- Luận văn Thạc sỹ luật học đề tài “Truất quyền hưởng di sản thừa kế, một số vấn đề lý luận và thực trạng pháp luật” (Tác giả : Lê Quang Thắng).
- Một số bài báo, trang tin khác trên internet.
[1] Tác giả : Công chứng viên Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng VPCC Nguyễn Trang, TP. Hải Phòng