Vận dụng nguyên tắc tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ của Công chứng viên

ĐẶT VẤN ĐỀ[1]

          “Chỉ có một thế giới duy nhất và thống nhất là thế giới vật chất; trong thế giới vật chất, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức song ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người”. Chủ nghĩa duy vật biện chứng với cơ sở lý luận về vật chất, ý thức và mối quan hệ giữa vật chất và ý thức đã thừa nhận tính thứ nhất của vật chất nhưng đồng thời đã khẳng định những tác động của ý thức trở lại thế giới vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Từ nguồn gốc cơ sở lý luận này, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã đặt ra những yêu cầu có tính nguyên tắc phương pháp luận bao gồm nguyên tắc tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan khi giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội của con người nói chung và của mỗi cá nhân trong xã hội nói riêng.

Tác giả hiện là Công chứng viên đang hàng ngày thực hiện công việc chuyên môn theo quy định của pháp luật nói chung, Luật công chứng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng. “Công chứng là một nghề cao quý, bởi hoạt động công chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho các hợp đồng, giao dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”. Công chứng viên đóng vai trò như người “Thẩm phán phòng ngừa” giúp giảm thiểu các rủi ro, tranh chấp trong xã hội. Trong quá trình thực hiện pháp luật, Công chứng viên bắt buộc phải vận dụng các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin đó là nguyên tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan để bảo đảm sự hiệu quả cho hoạt động của mình đúng theo quy định của pháp luật hiện hành và tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đã nêu. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin trình bày tập trung vào việc Công chứng viên cần vận dụng nguyên tắc khách quan, phát huy tính năng động chủ quan khi thực hiện hoạt động công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

          I. KHÁI QUÁT VỀ LÝ LUẬN

          1. Nguyên tắc khách quan

          1.1 Khách quan là gì?

          Khi nhắc đến hai từ “khách quan” có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nhận và hiểu về cụm từ này, tuy nhiên, để có thể khái quát một cách chính thức định nghĩa thế nào được gọi là “khách quan” thì không phải ai cũng có thể dễ dàng giải thích được cụ thể. Dưới góc nhìn của triết học, khách quan là một phạm trù để chỉ mọi thứ tồn tại trên thế giới này không phụ thuộc vào bất cứ chủ thể cụ thể nào. Tất cả những thứ tồn tại trên thế giới này có mối quan hệ biện chứng, trộn lẫn và tác động qua lại lẫn nhau để tạo nên một thể thống nhất nhưng vẫn đối lập, vận động, tuần hoàn, thay đổi, phát triển không có hồi kết và không phụ thuộc vào yếu tố là con người. Giữa mênh mông vũ trụ bao la thì  tri thức của con người mới chỉ nhận thức được một phần vô cùng nhỏ bé và cho dù có hay không có con người, vũ trụ vẫn tồn tại và vận động không ngừng nghỉ, không phụ thuộc vào sự có mặt của con người.

          Chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin đã thừa nhận tính thứ nhất của vật chất, thừa nhận vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức nhưng đồng thời cũng khẳng định sự tác động trở lại của ý thức đối với thế giới vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người hay nói cách khác, triết học C.Mac – Lenin đưa nguyên tắc khách quan trở thành nguyên tắc phương pháp luận làm nền tảng cho việc định hướng, giải thích cho hoạt động chung của con người.

          1.2 Tôn trọng khách quan :

          Nhận thức được rằng vật chất quyết định ý thức, do vậy, chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin đã lấy tôn trọng khách quan là nguyên tắc phương pháp luận. Theo quan điểm của triết học C.Mac – Lenin, mọi nhận thức và hành động của con người đều cần phải xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật, không được sử dụng ý chí chủ quan của mình để áp đặt hay bóp méo hiện thực khách quan. Nếu sử dụng ý chí chủ quan và không tôn trọng thực tế thì tính khách quan sẽ dần mất đi dẫn đến việc nhận định sai sự thật và không thể đưa ra kết luận đúng đắn cuối cùng. Ý thức giúp con người nhận thức được khách quan do tư duy phản ánh thế giới vật chất. Tuy nhiên, việc nhận thức đó phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và xác minh sự thật. Quá trình nhận thức đối tượng không được xuất phát từ tư duy, từ ý kiến chủ quan của chúng ta về đối tượng mà chính mỗi chúng ta cần phải đưa tư duy tuân theo đối tượng, rút ra những kết luận từ chính bản chất của đối tượng. Đây chính là sự thừa nhận tính thứ nhất của vật chất, tính quyết định của vật chất đối với ý thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin. Con người luôn phải lấy thực thể khách quan để làm căn cứ, tiền đề cho các hoạt động của mình trong cuộc sống.

          2. Tính năng động chủ quan:

          2.1 Chủ quan là gì?

          Nếu khách quan là phạm trù để chỉ mọi thứ tồn tại trên thế giới này không phụ thuộc vào bất cứ chủ thể cụ thể nào thì chủ quan lại gắn liền với chủ thể cụ thể là cá nhân của mỗi con người trong xã hội. Trong triết học, chủ quan là phạm trù dùng để chỉ những khả năng, năng lực nhận thức và phẩm chất của một chủ thể cá nhân cụ thể mà thông qua đó cá nhân đưa ra các quyết định làm tác động trở lại thế giới khách quan. Sự tác động này tùy theo từng nhận thức, hành vi riêng biệt của mỗi người sẽ tạo ra những tác động tích cực hay tiêu cực lên chính hiện thực khách quan xung quanh họ và xa hơn là cho toàn xã hội tùy thuộc vào phạm vi, tầm ảnh hưởng của cá nhân đó trong xã hội. Nguyên liệu để hình thành nên các quan điểm chủ quan và ý thức của mỗi con người chính là từ hoạt động thực tiễn khách quan và tùy thuộc vào năng lực, phẩm chất của mỗi người mà quyết định hành vi của mình, thông qua hành vi đó tác động trở lại hiện thực khách quan.

          2.2 Phát huy tính năng động chủ quan :

          Phát huy tính năng động chủ quan ở đây cần được hiểu là việc mỗi cá nhân cần phát huy sự tích cực, năng động, sáng tạo của ý thức. Chủ nghĩa duy vật trước C.Mac – Lenin là chủ nghĩa duy vật không triệt để khi đã tách rời chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng vì tồn tại những hạn chế trong nhận thức, lịch sử xã hội dẫn đến việc các nhà duy nhật trước C.Mac đã lấy ý thức làm nền tảng. C.Mac và Ph.Ăngghen đã giải thoát và khắc phục tất cả những nhược điểm trên của chủ nghĩa duy vật trước C.Mac khi thống nhất chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng và cho chúng ta một tư duy triết học đúng đắn mang tính lịch sử, có giá trị lâu dài đến tận ngày nay với quan niệm hoàn toàn mới về thế giới dưới góc nhìn thế giới là một quá trình với tính cách là vật chất không ngừng vận động một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người nhưng đồng thời đã chỉ ra vai trò của ý thức và tác động của ý thức trở lại thế giới khách quan hay nói cách khác chính là đánh giá và thừa nhận vai trò của chủ quan đối với hiện thực khách quan.

          Như đã phân tích ở trên, ý thức là sự phản ánh của thế giới khách quan vào trong nhận thức của con người về thế giới vật chất. Nếu như khách quan được coi là cơ sở và có vai trò quyết định thì chủ quan là điều kiện được hợp thành bởi hoàn cảnh, môi trường sống và các hoạt động diễn ra trong hiện thực. Khách quan và chủ quan luôn có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau và không thể tách rời trong hoạt động của mỗi con người. Hiểu rõ vấn đề này giúp mỗi người có nhận thức đúng đắn về sự vận động và biến đổi của các sự vật, sự việc, hiện tượng theo quy luật khách quan để từ đó triệt để tuân thủ nguyên tắc khách quan, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật đồng thời cần phát huy tính năng động chủ quan chọn lọc và đánh giá đúng đắn về hiện thực khách quan để xây dựng  nhận thức và quyết định hành vi cho bản thân mình.

          Nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin là tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan. Nếu ý thức chủ quan được áp dụng rập khuôn, máy móc, giáo điều thì sẽ phản tác dụng và thông qua hành động của con người làm tác động tiêu cực trở lại hiện thực khách quan. Do vậy, cần phát huy tính năng động chủ quan, phát huy tính sáng tạo của ý thức để tạo ra các hành vi phù hợp với hiện thực khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng. Hai nguyên tắc nêu trên là những nguyên tắc cơ bản và có quan hệ hữu cơ với nhau lên hoạt động của con người. Chúng tuy đối lập, khác biệt nhưng thống nhất trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Chỉ khi con người vận dụng song hành cả hai nguyên tắc này thì mới có thể đạt được kết quả đúng đắn và giúp trang bị những phương pháp luận vững chắc cho bản thân nhằm chống lại những quan điểm đối lập.

          II.VẬN DỤNG NGUYÊN TẮC KHÁCH QUAN VÀ TÍNH NĂNG ĐỘNG CHỦ QUAN TRONG THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

          1. Công chứng là gì và vai trò của Công chứng viên trong đời sống xã hội

          1.1 Công chứng là gì?

          Công chứng là một nghề đã xuất hiện từ rất xa xưa trên thế giới. Công chứng viên trong tiếng Anh hiện nay là “notaries”, “notarial officers”, hoặc “public notaries” có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, khi đó họ được gọi là “scribae” hoặc “Sesh” (“scribes”), tabellius (“writer”), or notarius (“notary”). Họ là gốc rễ của các nhánh chức danh pháp lý phát triển rộng rãi trên khắp thế giới hiện hay.

          Lịch sử ghi nhận những Công chứng viên được bổ nhiệm sớm nhất trong lịch sử xuất hiện tại Ai Cập cổ đại những năm 2750-2250 TCN nhưng tổ tiên thực sự của nghề công chứng được sinh ra ở La Mã vào khoảng những năm 65-63 TCN và phát triển rực rỡ tại Pháp khởi nguồn bởi các hiệp sĩ Dòng Đền giai đoạn 1099-1307. Một ngành nghề được xã hội thừa nhận vai trò, vị trí, tầm quan trọng thì mới có thể trường tồn bền vững qua thời gian. Sơ lược lịch sử như trên có thể thấy Công chứng là một nghề có nguồn gốc từ rất lâu đời, trải qua những thăng trầm và đến nay vẫn phát triển rộng rãi trên nhiều quốc gia trên thế giới với hai hệ thống công chứng là hệ thống công chứng luật thành văn (civil law notary, hay còn gọi là công chứng latinh, công chứng nội dung) và hệ thống công chứng thông luật (common law notary, theo hệ thống án lệ, hay còn gọi là hệ thống công chứng Anglo – Saxon, công chứng hình thức) phù hợp với hai hệ thống pháp luật chủ yếu (hệ thống dân luật – civil law system và hệ thống thông luật – common law system).

          Suốt chiều dài lịch sử, nghề Công chứng luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Tại Việt Nam, nghề Công chứng được đánh dấu bằng sắc lệnh ngày 24/08/1931 của Pháp về tổ chức công chứng, áp dụng trên toàn cõi Đông Dương.  Văn bản công chứng đầu tiên được lập vào năm 1886  và cho đến nay vẫn được lưu giữ tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay có nhiều bước phát triển đột phá, song song đó nhà nước cũng kịp thời thể hiện sự nhanh nhạy trong ban hành các chính sách phát triển và quản lý hiệu quả và kịp thời. Trong cơ hội luôn có rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là trong các quan hệ dân sự, giao dịch kinh tế thương mại ngày càng phức tạp. Hoạt động công chứng chứng là biện pháp ngăn ngừa rủi ro hiệu quả được áp dụng từ thời cổ đại đến nay. Công chứng và nghề công chứng du nhập Việt Nam trong quá trình thực dân Pháp đô hộ nước ta. So với lịch sử nghề công chứng trên thế giới, công chứng tại Việt Nam vẫn còn rất non trẻ nhưng đổi lại Việt Nam có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng phù hợp các quy định về công chứng với từng giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước qua từng giai đoạn.

1.2 Vai trò của Công chứng viên trong đời sống xã hội

Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ Tư pháp đã ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong đó đã khẳng định : “Công chứng là một nghề cao quý, bởi hoạt động công chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho các hợp đồng, giao dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”. Qua hoạt động chuyên môn thường ngày, Công chứng viên là những người thực hiện việc tạo lập và lưu giữ chứng cứ cho các bên tham gia giao dịch, lưu giữ chứng cứ để phục vụ cho hoạt động tố tụng của cơ quan tố tụng và cung cấp dữ liệu, thông tin phù hợp phục vụ cho hoạt động xây dựng pháp luật nhằm đảm bảo mọi hợp đồng, giao dịch được thiết lập bởi sự tự nguyện của các bên tham gia giao dịch sẽ được các bên tuân thủ một cách nghiêm túc và là nguồn chứng cứ, tài liệu khách quan cho các bên liên quan khi tiến hành giải quyết tranh chấp (nếu có). Qua đây có thể thấy, vai trò của Công chứng viên trong đời sống xã hội là quan trọng, góp phần giảm thiểu các rủi ro, tranh chấp từ đó giữ vững ổn định xã hội. Với vai trò như trên, Công chứng viên bắt buộc phải nắm vững nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin đó là tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan trong quá trình thực hiện pháp luật thì mới đảm bảo thực hiện được tốt nhất vai trò, nhiệm vụ nghề nghiệp của mình.

          2. Công chứng viên cần vận dụng nguyên tắc khách quan và tính năng động chủ quan trong hoạt động chuyên môn.

          2.1. Việc vận dụng nguyên tắc khách quan:

          Vận dụng nguyên tắc khách quan là nguyên tắc phương pháp phương pháp luận đóng vai trò cốt lõi trong quá trình thực hiện hoạt động chuyên môn của Công chứng viên. Khi thực hiện việc chứng nhận một hợp đồng, giao dịch bất kỳ, Công chứng viên luôn phải là người công tâm, khách quan, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như một người “Thẩm phán phòng ngừa” trong việc xem xét, đánh giá các thỏa thuận được đưa ra bởi các bên tham gia giao dịch. Chỉ khi tuân thủ việc vận dụng nguyên tắc tôn trọng khách quan thì Công chứng viên mới có thể đánh giá đúng đắn các thỏa thuận đã phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hay chưa? Sự thỏa thuận đó có làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của quốc gia, của dân tộc hay làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trong xã hội hay không ? Bởi nghĩa vụ của Công chứng viên là “trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội”.

          Nếu Công chứng viên không có nền tảng lý luận vững vàng, không nắm vững nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac – Lenin, không triệt để vận dụng nguyên tắc tôn trọng khách quan khi thực hiện công việc chuyên môn thì sẽ đưa đến những hậu quả khó lường.

          Ví dụ, Công chứng viên được ông A yêu cầu thực hiện việc chứng nhận thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế đối với một bất động sản và ông A sẽ là người chi trả toàn bộ phí và thù lao công chứng cho Công chứng viên. Theo thông tin của ông A cung cấp cho biết tất cả các đồng thừa kế đều nhất trí tặng toàn bộ phần thừa kế mà họ được hưởng cho ông A để ông A làm tài sản riêng. Trong số những người được hưởng thừa kế có ông B là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Ở đây sẽ có hai tình huống xảy ra :

          – Tình huống thứ nhất : Công chứng viên triệt để vận dụng nguyên tắc tôn trọng khách quan trong thực hiện công việc chuyên môn, tiến hành xác minh những người được hưởng thừa kế theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tiến hành xác minh, đánh giá và yêu cầu cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến năng lực hành vi dân sự của ông B. Trường hợp có đủ căn cứ xác định ông B là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì phải đưa người giám hộ của ông B vào tham gia giao dịch nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông B. Như vậy, việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được bảo đảm tuân thủ đúng theo trình tự thủ tục của pháp luật hiện hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các đồng thừa kế đồng thời phòng ngừa được việc xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền hưởng di sản thừa kế hợp pháp của ông B.

          – Tình huống thứ hai : Nếu Công chứng viên không triệt để vận dụng nguyên tắc khách quan, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật vì chiều theo khách hàng là ông A vì ông A là người chi trả phí và thù lao công chứng cho Công chứng viên, bỏ qua tình tiết xác minh về năng lực hành vi dân sự của ông B và không yêu cầu người đại diện hợp pháp của ông B tham gia giao dịch theo đúng quy định. Hậu quả là giao dịch trên được thực hiện trái quy định của pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông B. Công chứng viên trong tình huống này đã vi phạm đạo đức hành nghề công chứng, vi phạm pháp luật, giao dịch nêu trên phải đối diện với nguy cơ khi xảy ra tranh chấp sẽ bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu, đẩy những người được hưởng thừa kế vào chỗ có tranh chấp với nhau và là nguồn cơn của những mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội.

          Từ ví dụ phân tích này có thể thấy, việc vận dụng triệt để nguyên tắc tôn trọng khách quan, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của Công chứng viên là rất quan trọng khi thực hiện các hoạt động nghề nghiệp. Không tuân thủ nguyên tắc khách quan này, vì chủ quan duy ý chí hoặc vì lợi ích của bản thân mình thì hậu quả hết sức khó lường cho chính bản thân Công chứng viên cũng như làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch.

          2.2 Công chứng viên cần vận dụng tính năng động chủ quan trong hoạt động nghề nghiệp.

          Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội.  Pháp luật được xây dựng trên cơ sở đúc kết từ các tình huống trong thực tiễn khách quan và mang tính trù liệu cho các tình huống sẽ xảy ra trong thực tiễn. Thông qua việc ban hành các quy định của pháp luật, Nhà nước đã tác động ý chí lãnh đạo lên toàn thể xã hội hay nói dưới góc nhìn triết học là sự tác động trở lại thế giới vật chất khách quan thông qua hoạt động thực tiễn nhằm quản lý, điều chỉnh hoạt động chung của xã hội theo ý chí của tầng lớp lãnh đạo. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần I, thực tại khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng nghỉ, không phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân, tổ chức nào cụ thể. Do vậy, pháp luật không thể dự liệu được tất cả các tình huống có thể xảy trong hiện thực xã hội khách quan.

          Trong hoạt động chuyên môn của Công chứng viên, hàng ngày có rất nhiều tình huống khách quan xảy ra mà chưa có quy định cụ thể. Có thể lấy một ví dụ để minh họa cho tình huống này như sau : Công chứng viên nhận được đề nghị của một công dân Trung Quốc về việc thực hiện thủ tục sao y bản chính Hộ chiếu cho họ. Vì họ là công dân Trung Quốc nên đây là Hộ chiếu do nhà nước Trung quốc phát hành. Trong quyển Hộ chiếu này thể hiện thông tin đường lưỡi bò trên Biển Đông mà hiện nay Trung Quốc đang tranh chấp với Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực.

          – Tình huống thứ nhất : Công chứng viên vì lợi ích là khoản tiền phí thu được từ việc sao y bản chính giấy tờ mà đồng ý thực hiện việc sao y bản chính Hộ chiếu có chứa thông tin đường lưỡi bò của công dân Trung Quốc. Hành vi này của Công chứng viên không trái với pháp luật hiện hành bởi quy định về việc sao y bản chính không cấm việc thực hiện sao y Hộ chiếu nêu trên. Tuy nhiên, thực hiện hành vi này, Công chứng viên đã không làm tròn bổn phận, nghĩa vụ trung thành với tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi gián tiếp công nhận đường lưỡi bò do Trung Quốc dựng lên hòng chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông.

          – Tình huống thứ hai : Công chứng viên phát hiện thông tin đường lưỡi bò trong Hộ chiếu và từ chối thực hiện việc công chứng, giải thích rõ việc từ chối này là tuân theo Đạo đức hành nghề công chứng. Chính phủ Việt Nam đang mạnh mẽ, kiên quyết phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Chính phủ Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông, kiên quyết bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. Việc từ chối này của Công chứng viên chính là biểu hiện cao của việc vận dụng nguyên tắc phát huy tính năng động chủ quan trong hoạt động nghề nghiệp, phát huy tính sáng tạo khi vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật hiện hành đồng thời nâng cao vai trò của ý thức, trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo vệ, giữ gìn sự toàn vẹn và độc lập lãnh thổ của Việt Nam, đi theo con đường kiên trì xây dựng, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ mà Đảng và Nhà nước ta đã định hướng.

          Qua những phân tích nêu trên, Tác giả đã đưa ra những nhận định của bản thân và lấy ví dụ dẫn chứng cho việc cần thiết phải vận dụng nguyên tắc tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan trong thực hiện pháp luật của Công chứng viên trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Đây là những nguyên tắc phương pháp luận đóng vai trò hết sức quan trọng mà bất cứ Công chứng viên nào cũng phải nắm bắt rõ và vận dụng trong hoạt động chuyên môn hàng ngày.   

 LỜI KẾT

          Tôn trọng sự thật khách quan luôn là nguyên tắc phương pháp luận đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học C.Mac-Lenin. Chỉ có tôn trọng khách quan thì mỗi người mới tự xây dựng được tính đúng đắn trong nhận thức và tự điều chỉnh hành vi phù hợp với hiện thực khách quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hành vi, mỗi người cần phát huy tính năng động chủ quan trong mỗi người, không bảo thủ duy ý chí hoặc rập khuôn máy móc, giáo điều mà cần phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới của ý thức để tạo ra những kết quả phù hợp và hiệu quả tốt hơn khi tác động hành vi ngược trở lại với hiện thực khách quan. Công chứng là một nghề nghiệp đóng vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Mỗi Công chứng viên cần nắm vững nguyên tắc phương pháp luận nêu trên để làm nền tảng lý luận và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp trong quá trình tiến hành các hoạt động chuyên môn và thực hiện việc áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả trình bày các quan điểm cá nhân về việc vận dụng nguyên tắc tôn trọng khách quan và phát huy tính năng động chủ quan trong giải quyết việc thực hiện pháp luật trên vai trò là một Công chứng viên của Tác giả. Do tầm hiểu biết, tri thức còn hạn hẹp nên bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm, rất mong nhận được sự quan tâm đánh giá, góp ý để Tác giả hoàn thiện tốt hơn bài viết qua đó củng cố thêm tri thức cho bản thân.

          Xin trân trọng cảm ơn !

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Giáo trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;

               2. Giáo trình Triết học (dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành triết học) – NXB Chính trị – Hành chính;

               3. Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng (Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

               4. Bài viết “Quán triệt nguyên tắc khách quan và quan điểm toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh – Yêu cầu quan trọng hàng đầu trong đánh giá, bổ nhiệm đúng cán bộ” – PGS.TS Nguyễn Chí Hiếu, Tạp chí cộng sản ngày 15/03/2021;

               5. Bài viết “Công chứng là gì?” Tác giả : Công chứng viên Đào Duy An,  Trưởng VPCC Đào Duy An, Hà Nội đăng tải trên website : daoduyan.com

               6. Bài viết “Khách quan là gì? Chủ quan là gì? Phân biệt khách quan và chủ quan” đăng tải trên website palada.vn.


[1] Tác giả : CCV Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng VPCC Nguyễn Trang, TP. Hải Phòng