Nguyễn Thị Thu Trang[1]
Tiếp theo Part 1: Xác thực thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số – thách thức và giải pháp từ hoạt động công chứng (Part 1)
2. Thách thức đặt ra cho vấn đề xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam
Đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới trên nhiều phương diện và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng bước vươn tầm phát triển đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu[1] đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao về minh bạch thông tin doanh nghiệp để bắt kịp đà phát triển và tiệm cận với yêu cầu của thế giới. Minh bạch thông tin cần được thực hiện trên nhiều phương diện mà khởi đầu quan trọng chính là xác thực thông tin về doanh nghiệp và xác thực thông tin về các nhà đầu tư tham gia thành lập, quản lý, vận hành doanh nghiệp. Chủ trương chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước ta đã tạo đà cho nhiều thành tựu trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hệ thống doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức cho vấn đề xác thực thông tin doanh nghiệp. Thách thức này khó có thể giải quyết bằng một vài giải pháp đơn lẻ mà đòi hỏi có sự nỗ lực chung tay và các giải pháp toàn diện, đồng bộ, có hệ thống đến từ các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan.
Nhà nước ta luôn công nhận và bảo hộ quyền tự do, quyền bình đẳng và có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững nhưng cũng đặt ra các quy định, yêu cầu phải đầu tư, kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật[2]. Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào nền kinh tế, một vấn đề đáng lo ngại đã nảy sinh là sự xuất hiện và gia tăng của các doanh nghiệp “ma” tại Việt Nam thời gian qua. Nhà nước tạo điều kiện thông thoáng thủ tục đăng ký, cấp phép thành lập doanh nghiệp hướng tới không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng các quy định dễ dàng trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp như hiện tại cũng đã làm phát sinh các lỗ hổng pháp lý mà đối tượng xấu có thể lợi dụng để trục lợi[3]. Như tác giả đã nêu tại phần đặt vấn đề, doanh nghiệp “ma” là cụm từ chỉ những doanh nghiệp có đăng ký thành lập nhưng không thực tế hoạt động như thông tin đã đăng ký với cơ quan quản lý. Ðây là những doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh thực tế và được lập ra với mục đích phi pháp như trốn thuế, lừa đảo, mở tài khoản ngân hàng và mua bán hoá đơn khống. Sự hiện diện của các doanh nghiệp này không chỉ gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ gây tác động tiêu cực cho kinh tế – xã hội của đất nước[4]. Doanh nghiệp “ma” không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà trên khắp các quốc gia trên thế giới vẫn thường trực phải đối diện đồng thời liên tục tìm kiếm, cải tiến các giải pháp để khắc phục vấn nạn này.
Thách thức lớn nhất đặt ra cho vấn đề xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay chính là Nhà nước ta chưa thể triển khai đồng bộ được hoạt động chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực quản lý, chưa kết nối liên thông được hạ tầng thông tin cũng như vẫn còn khó khăn trong việc chia sẻ và kết nối dữ liệu của tất cả các ngành[5]. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp qua Cổng thông tin nhà đầu tư có thể thực hiện hầu hết các thao tác thông qua internet mà không cần trực tiếp đến cơ quan quản lý. Việc này tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời làm thiếu đi cơ chế kiểm soát tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chữ ký, ý chí của các nhà đầu tư khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đây là vấn đề đang bị bỏ ngỏ không có bất cứ cơ quan, tổ chức nào được giao trách nhiệm kiểm soát mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của các nhà đầu tư. Với việc thực hiện các thao tác nộp hồ sơ đăng ký thành lập qua Cổng thông tin, toàn bộ các hồ sơ, tài liệu mà nhà đầu tư đăng tải đều là các file PDF hoặc hình ảnh rất dễ dàng bị cắt ghép, sửa chữa, thay đổi thông tin chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Khi cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ mà nhà đầu tư nộp trên hệ thống Cổng thông tin thì cũng rất khó có thể kiểm soát được tính xác thực, hợp pháp của các hồ sơ, tài liệu nhận được. Hệ thống cơ sở dữ liệu của Việt Nam hiện nay còn thiếu tính liên thông liên kết giữa các cơ quan[6]; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang từng bước được kiện toàn phát triển; mức độ đầu tư phát triển và ứng dụng AI ở lĩnh vực dịch vụ công của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn[7] so với các quốc gia phát triển để có thể hỗ trợ việc quét và đối soát dữ liệu từ nhiều cơ quan khác nhau. Việc tra soát thông tin về doanh nghiệp cũng chỉ có thể dừng lại ở việc kiểm tra một doanh nghiệp đã có đăng ký hoạt động hay chưa? địa chỉ hoạt động doanh nghiệp đã đăng ký là gì? Ai là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp? Các nhà đầu tư trong doanh nghiệp gồm những ai?..vv nhưng không thể xác định được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư của doanh nghiệp hiện thực tế còn sống hay đã chết? Có thực sự là nhà đầu tư đã tự nguyện thỏa thuận tham gia thành lập doanh nghiệp hay không? Họ có thực sự quản lý, vận hành doanh nghiệp hay không? Doanh nghiệp có thực sự hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thực tế tại địa điểm đã đăng ký hay không? Không hiếm trường hợp có cá nhân bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin cá nhân, hình ảnh căn cước công dân và bị giả mạo chữ ký để đăng ký thành lập doanh nghiệp, đứng tên đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà không hề hay biết và phải cầu cứu sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để điều tra, tìm kiếm và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp mà mình không hề đăng ký thành lập[8]. Một thực tế đáng lo ngại trong thời gian qua là các cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục thuế và cơ quan Công an đã liên tục phải đưa ra các cảnh báo hoặc giải quyết các vụ án liên quan đến các “doanh nghiệp ma”[9]. Thực trạng các doanh nghiệp gặp không ít rắc rối trong kê khai, quyết toán thuế khi thực tế có mua hàng hóa, dịch vụ nhưng lại bị bên bán cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng được phát hành bởi các doanh nghiệp “ma” không hoạt động ..vv.. đang diễn ra rất phổ biến và chưa có dấu hiệu dừng lại[10]. Thiệt hại của các doanh nghiệp khi bị cơ quan thuế loại trừ chi phí chính đáng, xử phạt do kê khai sai hoặc gặp rắc rối về pháp lý khi liên quan đến các đường dây mua bán hóa đơn, bị giả mạo chữ ký trong các giao dịch của doanh nghiệp đã tạo ra những thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp[11]. Đại án Vạn Thịnh Phát[12] vừa xảy ra với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập hồ sơ vay vốn khống, thuê người đứng tên cổ phần là một trong những điển hình về tình trạng giả mạo chữ ký, giả mạo thông tin thành lập doanh nghiệp đã và đang để lại hậu quả rất lớn cho xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân, của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy ở các trường hợp trên, những đối tượng xấu đã lợi dụng kẽ hở của trình tự thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, lợi dụng sự thông thoáng trong việc đăng ký online để đăng ký khống việc thành lập doanh nghiệp từ đó thực hiện các hành vi phạm tội, xâm phạm trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp cũng như tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý và gây mất trật tự trị an trong đời sống xã hội.
Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định về nhiều loại hình doanh nghiệp cho các nhà đầu tư được toàn quyền lựa chọn phù hợp với nhu cầu, mục đích đầu tư kinh doanh của mình. Các loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay được các nhà đầu tư lựa chọn khi thành lập là Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần. Sở dĩ các loại hình doanh nghiệp này được đông đảo các nhà đầu tư lựa chọn bởi những ưu điểm như phù hợp với thực tiễn và tương thích với nhiều lĩnh vực đầu tư kinh doanh do đó phù hợp nhu cầu, khả năng của các nhà đầu tư; đơn giản và nhanh gọn trong quá trình đăng ký thành lập cũng như thay đổi loại hình doanh nghiệp khi có nhu cầu. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những quy định riêng về thành phần hồ sơ, tài liệu mà các nhà đầu tư phải cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi kê khai thành lập doanh nghiệp. Một điểm chung quy định về thành phần hồ sơ, tài liệu mà các cá nhân, tổ chức phải cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh đó là đều phải có giấy tờ tùy thân, giấy tờ pháp nhân (nếu là doanh nghiệp) của các nhà đầu tư tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Giấy tờ tùy thân, giấy tờ pháp nhân là các loại tài liệu chứng minh về thông tin nhân thân, thông tin pháp nhân của các nhà đầu tư. Điều lệ công ty là văn bản thỏa thuận giữa các nhà đầu tư với nhau nhằm xác lập quyền cũng như xác lập các cam kết, các nghĩa vụ ràng buộc nhà đầu tư trong quy định chung, thống nhất về việc tạo lập, vốn góp, loại hình, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động…vv. Nói cách khác, về bản chất pháp lý, Điều lệ chính là một bản hợp đồng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các nhà đầu tư trong việc đầu tư kinh doanh và thành lập doanh nghiệp theo đúng tinh thần quy định của Bộ luật Dân sự 2015[13]. Điều lệ cũng chính là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp (nếu có). Trong hồ sơ của doanh nghiệp có thể nói Điều lệ là tài liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng do vậy pháp luật doanh nghiệp qua nhiều thời kỳ tại Việt Nam và Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện hành đều chứa đựng quy định bắt buộc phải xây dựng Điều lệ đối với một số loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, một thực tiễn hiện nay tác giả nhận thấy, rất nhiều nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến vai trò của Điều lệ trong doanh nghiệp và hầu như không được ai hướng dẫn, giải thích các quy định liên quan đến Điều lệ trước khi ký kết và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư có tư duy rất đơn giản về Điều lệ như một loại tài liệu “làm cho có” theo quy định và có xu hướng lựa chọn thực hiện thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh thường nhà đầu tư sẽ nhận được kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng bản Điều lệ được đơn vị dịch vụ soạn thảo theo mẫu đại trà và thường không quan tâm đến nội dung của Điều lệ. Cá biệt như tác giả tìm hiểu và được biết trên thực tế có những nhà đầu tư còn không biết Điều lệ công ty là gì và không lưu giữ, quản lý tại doanh nghiệp theo quy định. Chỉ đến khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp và Tòa án căn cứ theo Điều lệ để xác định rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi nhà đầu tư để giải quyết tranh chấp thì họ mới “giật mình” nhận ra giá trị pháp lý của bản Điều lệ và hiểu rằng “giá như” mình quan tâm ngay từ đầu đến việc xây dựng, hoàn thiện bản Điều lệ để thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ của mỗi nhà đầu tư trong doanh nghiệp thì quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn; tranh chấp có lẽ đã được phòng ngừa từ xa và nếu có xảy ra thì cũng được nội bộ các nhà đầu tư giải quyết ngay từ trong doanh nghiệp để đạt được đồng thuận, thống nhất từ đó không phát sinh các tranh chấp phải giải quyết tại cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tốn kém chi phí giải quyết tranh chấp.
Đối với vấn đề giấy tờ tùy thân, giấy tờ pháp nhân của các nhà đầu tư thì hiện nay với sự đồng bộ quản lý về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước[14] cùng hệ thống quản lý thông tin đăng ký doanh nghiệp tên Cổng thông tin, cơ quan quản lý đã và đang từng bước kiểm soát vấn đề này tốt hơn. Đối với những nhà đầu tư là pháp nhân thì việc kiểm soát thông tin và xác minh tương đối thuận tiện đối với cơ quan quản lý nhờ có Cổng thông tin và hệ thống Cơ sở dữ liệu nêu trên. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư là cá nhân thì vẫn tồn tại các câu hỏi lớn cần đặt ra bài toán giải quyết cho cơ quan quản lý đó là: (i) những nhà đầu tư có thông tin, giấy tờ tùy thân trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp có thực sự là có nhu cầu đầu tư kinh doanh và thành lập doanh nghiệp hay không?; (ii) chữ ký trong hồ sơ, trong Điều lệ công ty có đúng là của các nhà đầu tư hay không?; (iii) năng lực hành vi dân sự của họ tại thời điểm ký kết và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp thế nào?; (iv) họ có thực sự tự nguyện thỏa thuận cũng như ký kết hồ sơ, tài liệu, Điều lệ trong quá trình tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và đã thực sự hiểu rõ quyền, nghĩa vụ cũng như hậu quả pháp lý của việc quyết định tham gia thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chưa? Những câu hỏi lớn nêu trên nếu được giải quyết thì phần nào đã giúp phòng ngừa và loại trừ ngay từ bước đầu nhà đầu tư không thực sự có nhu cầu thành lập doanh nghiệp; loại trừ những nhà đầu tư chưa đủ năng lực, kiến thức cũng như chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng về tài chính, tâm huyết cho việc xây dựng phát triển doanh nghiệp từ đó nâng cao chất lượng của hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam. Giải quyết được những vấn đề trên cũng chính là góp phần phòng ngừa, loại bỏ từ sớm những đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin giả mạo hoặc giả mạo chữ ký để thành lập các doanh nghiệp “ma” nhằm mục đích trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Từ những phân tích thực trạng nêu trên có thể thấy, vấn đề xác thực thông tin của doanh nghiệp đã và đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới. Thực trạng này đã và đang đặt ra thách thức không hề nhỏ cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới khi vừa phải đảm bảo hành lang thông thoáng tạo đà cho sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng đồng thời vẫn phải kiểm soát được tính minh bạch thông tin doanh nghiệp tiến tới giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp “ma” đang tồn tại trên thị trường Việt Nam như tác giả nêu trên. Thách thức này thật khó có thể giải quyết bằng một vài giải pháp đơn lẻ mà đòi hỏi có sự nỗ lực chung tay và các giải pháp toàn diện, đồng bộ, có hệ thống đến từ các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan.
(Còn tiếp)
Chú ý: Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !
——————————————————
[1] Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam; https://nhandan.vn/hieu-qua-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-cua-doanh-nghiep-viet-nam-post778731.html , truy cập ngày 25/07/2024;
[2] Điều 5 Luật Đầu tư 2020;
[3] Tổng cục Thuế cảnh báo những dấu hiệu nhận diện công ty “ma”; https://petrotimes.vn/tong-cuc-thue-canh-bao-nhung-dau-hieu-nhan-dien-cong-ty-ma-711177.html; truy cập ngày 02/09/2024;
[4] “Công ty ma” và lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp – Hồng Nhung và Việt Mỹ; bài viết đăng tải tại website: https://baocamau.vn/-cong-ty-ma-va-lo-hong-trong-quan-ly-doanh-nghiep-a32633.html ; truy cập ngày 02/09/2024;
[5] “Quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung thúc đẩy Chính phủ số” –Giang Phạm – bài viết đăng tải tại website: https://mic.gov.vn/quy-dinh-ve-co-so-du-lieu-dung-chung-thuc-day-chinh-phu-so-19724040409092136.htm#:~:text; truy cập ngày 05/09/2024;
[6] “Quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung thúc đẩy Chính phủ số” –Giang Phạm – bài viết đăng tải tại website: https://mic.gov.vn/quy-dinh-ve-co-so-du-lieu-dung-chung-thuc-day-chinh-phu-so-19724040409092136.htm#:~:text; truy cập ngày 05/09/2024;
[7] “Phát triển AI: Việt Nam đã sẵn sàng?” – Thanh Nhàn- bài viết đăng tải tại website: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/phat-trien-ai-viet-nam-da-san-sang/20220303043731277p1c785.htm; truy cập ngày 05/09/2024;
[8] ‘Bỗng dưng làm giám đốc’, phải tự mình đi điều tra danh tính công ty” (Ngọc Khải – Báo Tuổi trẻ online); https://tuoitre.vn/bong-dung-lam-giam-doc-phai-tu-minh-di-dieu-tra-danh-tinh-cong-ty-20240316161135234.htm
[9] “Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phát thông tin, trong 2 tháng đầu năm cả nước có hơn 5.564 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, mất tích bí ẩn” – trích bài đăng “Bất thường: Hơn 5.500 công ty lập ra rồi… “mất tích” (?!)”đăng tải tại website: https://petrotimes.vn/bat-thuong-hon-5500-cong-ty-lap-ra-roi-mat-tich-601821.html ; truy cập ngày 02/09/2024;
[10] “Nhận diện doanh nghiệp “ma” mua bán lòng vòng hóa đơn giá trị gia tăng” (Hà An – Báo Công an nhân dân online); https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nhan-dien-doanh-nghiep-ma-mua-ban-long-vong-hoa-don-gia-tri-gia-tang-i731585/ ; truy cập ngày 25/07/2024;
[11] “Có dấu hiệu giả mạo chữ ký, chiếm đoạt tài sản”; https://thanhtravietnam.vn/ban-doc/co-dau-hieu-gia-mao-chu-ky-chiem-doat-tai-san-198770.html ; truy cập ngày 25/07/2024;
[12] “Đại biểu Quốc hội nói về tình trạng giả mạo chữ ký, lập công ty ma”; https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-tinh-trang-gia-mao-chu-ky-lap-cong-ty-ma-1357426.ldo ; truy cập ngày 25/07/2024;
[13] Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”;
[14] “Sau một năm triển khai thần tốc với quyết tâm chính trị cao của cơ quan chủ trì là Bộ Công an, đến đầu năm 2022, CSDL quốc gia về dân cư đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu người dân (92% dân số cả nước); dự án sản xuất, cấp CCCD đã cấp cho hơn 50 triệu thẻ”- trích bài đăng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân đăng tải tại website: https://dx.gov.vn/co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-va-can-cuoc-cong-dan-1696128069564.htm; truy cập ngày 04/09/2024;