Xác thực thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số – thách thức và giải pháp từ hoạt động công chứng (Part 3)

Nguyễn Thị Thu Trang[1]
Tiếp theo Part 2: Xác thực thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số – thách thức và giải pháp từ hoạt động công chứng (Part 2)
3. Đề xuất giải pháp từ hoạt động công chứng của các Công chứng viên

3.1 Xây dựng đồng bộ hệ thống giải pháp lấy trọng tâm là công tác phòng ngừa.

Để có thể giải quyết được những thách thức về việc xác thực thông tin doanh nghiệp như nêu trên, theo quan điểm của tác giả, sẽ cần những giải pháp đồng bộ đến từ nhiều cơ quan, tổ chức liên quan chứ không thể áp dụng một vài giải pháp đơn lẻ. Chỉ khi hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, có các biện pháp chủ động phòng ngừa từ sớm đối với các nguy cơ và thực hiện tốt, đồng bộ hệ thống giải pháp, công tác kiểm soát tiền kiểm – hậu kiểm trong quản lý hệ thống doanh nghiệp thì vấn nạn doanh nghiệp “ma” mới có thể từng bước giảm thiểu và chấm dứt. Hệ thống giải pháp cần được xây dựng và triển khai đồng bộ trên các phương diện như: (i) tuyên truyền, phổ biến và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; (ii) kiểm soát tính xác thực của các thông tin, hồ sơ, tài liệu và ý chí tự nguyện, trung thực và năng lực hành vi dân sự của các nhà đầu tư trong việc thỏa thuận thành lập doanh nghiệp cũng như thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; (iii) kiểm soát hoạt động kê khai, báo cáo tài chính, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước của doanh nghiệp; (iv) kiểm tra giám sát thực chất hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký; và (v) kiểm soát các vấn đề liên quan khác tùy vào đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp..vv..bởi các cơ quan liên ngành. Áp dụng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc kiểm soát tính xác thực của các hồ sơ, tài liệu, năng lực hành vi dân sự và ý chí tự nguyện thỏa thuận giữa các nhà đầu tư ngay từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể nói là bước khởi đầu quan trọng và hướng đến phòng ngừa từ sớm nguy cơ hình thành các doanh nghiệp “ma” từ đó góp phần giảm thiểu và loại bỏ các doanh nghiệp “ma” khỏi thị trường; góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường đầu tư và hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam trong tương lai.

3.2 Đề xuất giải pháp từ hoạt động công chứng của các Công chứng viên

Với quan điểm này áp dụng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tác giả đánh giá rằng hoạt động công chứng của các Công chứng viên chính là một trong những chìa khóa giải pháp tối ưu hàng đầu để giải bài toán phòng ngừa từ xa và tiến tới giảm thiểu, chấm dứt vấn nạn doanh nghiệp “ma” tại Việt Nam trong tương lai.

Trước hết, cần nhắc lại, chức năng xã hội của Công chứng viên là: “..cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.”[1]. Một người muốn trở thành Công chứng viên trước hết phải tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật và trải qua thời gian công tác pháp luật, thời gian học tập đào tạo dài cũng như các kỳ thi sát hạch rất nghiêm ngặt do Bộ Tư pháp tổ chức mới có thể được bổ nhiệm đảm nhiệm trọng trách nêu trên. Với vai trò như một người “Thẩm phán phòng ngừa”, thông qua hoạt động chuyên môn hàng ngày, các Công chứng viên đã và đang từng ngày đảm nhiệm thực hiện tốt vai trò, chức năng xã hội của mình như quy định mà Luật Công chứng năm 2014 đã đề ra nêu trên. Ngay từ quy định này đã cho thấy sự phù hợp về vai trò của Công chứng viên trong việc giải quyết bài toán phòng ngừa từ xa các nguy cơ thành lập doanh nghiệp “ma” và các câu hỏi lớn mà tác giả đã đặt ra nêu trên. Luật Công chứng năm 2014 đã quy định rất cụ thể tại Khoản 1 Điều 2 rằng : “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch)..”[2]. Khi thực hiện việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, Công chứng viên có nghĩa vụ: “Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;”[3]. Trình tự, thủ tục thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch đã được quy định rất đầy đủ, cụ thể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công chứng. Tài liệu quan trọng nhất trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp là Điều lệ công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện nay không quy định các nhà đầu tư bắt buộc phải công chứng Điều lệ khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng cũng không chứa đựng quy định cấm công chứng. Do vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có quyền yêu cầu công chứng Điều lệ công ty nếu họ có nhu cầu thì theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 hiện hành[4]

Khi Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng Điều lệ công ty thì thông qua công tác kiểm soát về thành phần hồ sơ, tài liệu; rà soát nội dung dự thảo Điều lệ công ty mà các nhà đầu tư cung cấp và bằng các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ các Công chứng viên sẽ góp phần giải quyết các vấn đề: (i) xác định rõ ý chí của các nhà đầu tư tham gia thành lập doanh nghiệp xem có thực sự là mong muốn tự nguyện của bản thân họ hay không?; (ii) xác định năng lực hành vi dân sự cũng như xác thực chữ ký của các nhà đầu tư trong hồ sơ, tài liệu đặc biệt là Điều lệ công ty đúng là của họ từ đó loại bỏ tình huống mạo danh nhà đầu tư (đã chết) hoặc nhà đầu tư bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhà đầu tư bị đối tượng xấu thực hiện hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo thông tin để đăng ký thành lập các doanh nghiệp “ma”; (iii) thời điểm các nhà đầu tư thỏa thuận lập, ký kết hồ sơ, tài liệu đặc biệt là Điều lệ công ty hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối, hiểu và nhận thức rõ quyền/ nghĩa vụ cũng như hậu quả pháp lý của việc tham gia đầu tư kinh doanh từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà đầu tư khi quyết định thành lập và phát triển doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện thỏa thuận của các nhà đầu tư trong Điều lệ công ty có điểm không phù hợp với quy định của pháp luật và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì Công chứng viên có thể chỉ rõ, yêu cầu các bên điều chỉnh phù hợp với quy định từ đó góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các nhà đầu tư. Điểm qua sơ bộ các yếu tố trên là dẫn chứng cho nhận định hoạt động công chứng của các Công chứng viên là một trong những giải pháp phù hợp góp phần phòng ngừa từ xa, giảm thiểu và hướng đến mục tiêu loại bỏ doanh nghiệp “ma” trên thị trường; góp phần tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các nhà đầu tư từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thành lập doanh nghiệp đồng thời góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp pháp lý giữa các nhà đầu tư trong quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp mà họ đã đầu tư kinh doanh.

Tạm kết :

Doanh nghiệp “ma” là vấn nạn nhức nhối xuất hiện từ lâu không chỉ riêng tại Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Tìm kiếm, xây dựng và triển khai các giải pháp giải quyết vấn nạn này là bài toán không hề đơn giản, dễ dàng cho cá cơ quan quản lý nhất là trong bối cảnh phải đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội trong việc cân bằng giữa đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số dữ liệu, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp tiến tới đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước với việc kiểm soát các mặt trái tiêu cực, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống xã hội. Để có thể giải quyết được những yêu cầu, thách thức này đòi hỏi cần những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực chung sức đến từ nhiều cơ quan, tổ chức liên quan chứ không riêng bất cứ đơn vị nào. Hoạt động công chứng của Công chứng viên tại Việt Nam thời gian qua đã và đang từng bước chứng minh tính hiệu quả trong việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch được công chứng; góp phần tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; phòng ngừa nguy cơ rủi ro xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp từ đó góp phần giữ vững ổn định, trật tự trị an trong đời sống xã hội, tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Thiết nghĩ, nghiên cứu tính khả thi và triển khai áp dụng quy định bắt buộc công chứng Điều lệ khi các nhà đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ là một trong những giải pháp hữu ích góp phần phòng ngừa từ sớm và hướng đến giảm thiểu, chấm dứt vấn nạn doanh nghiệp “ma” nhức nhối tại Việt Nam trong tương lai.

(Hết)

Chú ý: Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !

———————————————————————

[1] Điều 3 Luật Công chứng năm 2014;

[2] Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014;

[3] Điểm d Điều 17 Luật Công chứng năm 2014;

[4] Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014;