Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 1)

Nguyễn Thị Thu Trang[1]

 Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về việc góp vốn bằng xe máy chuyên dùng thuộc sở hữu của cá nhân vào doanh nghiệp; thực tiễn triển khai và các vướng mắc, bất cập xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, thống nhất của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiến nghị và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: Góp vốn; Doanh nghiệp; Thuế; Giao thông; Xe máy chuyên dùng

Abstract: The article analyzes the current legal regulations regarding the contribution of privately-owned specialized motorcycles as capital contribution to enterprises; the practical implementation and the issues and inadequacies arising from the lack of uniformity and consistency between the Civil Code 2015, the Enterprise Law 2020, the Road Traffic Law 2008 (as amended in 2018), and the guiding documents; recommendations and proposals for improvement.

Keywords: Capital contribution; Company; Taxation; Transportation; Specialized motorcycles

  1. Pháp luật hiện hành về việc góp vốn bằng xe máy chuyên dùng

Tự do đầu tư kinh doanh, quyết định phương thức góp vốn kinh doanh, định đoạt tài sản hợp pháp dùng để đầu tư kinh doanh là quyền của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức được Hiến pháp[2] và pháp luật bảo vệ[3]. Góp vốn đầu tư kinh doanh là giao dịch diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Thỏa thuận góp vốn kinh doanh có thể diễn ra giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với doanh nghiệp, tổ chức hoặc giữa các doanh nghiệp, tổ chức với nhau. Các bên cũng có toàn quyền tự do lựa chọn hình thức đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư[4]. Các loại tài sản được dùng để góp vốn trên thực tiễn rất đa dạng có thể là tiền, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật hoặc bất cứ loại tài sản khác có thể định giá được bằng tiền[5]. Tùy thuộc vào từng loại tài sản và phương thức đầu tư kinh doanh mà thỏa thuận góp vốn của các bên liên quan chịu sự điều chỉnh bởi các quy định cụ thể của pháp luật chuyên ngành. Miễn là tài sản hợp pháp và thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình thì chủ tài sản có toàn quyền góp vốn để đầu tư kinh doanh khi có nhu cầu. Đây chính là một trong những biểu hiện rõ nét của việc thể chế chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện nhất quán các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện cho mọi công dân có quyền tự do đầu tư, kinh doanh từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Theo quy định hiện hành, các loại xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng[6]. Việc quản lý, vận hành, đăng ký sở hữu và thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính liên quan đến các loại xe nêu trên chịu sự điều chỉnh của pháp luật Giao thông đường bộ mà trước hết là Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2009, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã được hợp nhất bởi Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Văn phòng Quốc hội. Bên cạnh Luật Giao thông đường bộ còn có hàng loạt các Nghị định, các Thông tư hướng dẫn đã được ban hành và triển khai áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Điểm qua sơ lược các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên cho thấy Nhà nước ta đã xây dựng hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xe máy chuyên dùng. Miễn là chủ sở hữu đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật thì hoàn toàn có quyền góp vốn bằng xe máy chuyên dùng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để cùng đầu tư kinh doanh với các cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức khác. Xe máy chuyên dùng sau khi được đưa vào góp vốn đầu tư kinh doanh thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu và các bên liên quan phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và quy định của pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Kế toán 2015, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2020, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi năm 2012, Luật thuế giá trị gia tăng 2003 sửa đổi năm 2016..vv…trong việc góp vốn, tổ chức hoạt động vận hành sản xuất, kinh doanh; quản lý, điều hành, sử dụng xe máy chuyên dùng và các vấn đề trách nhiệm về tài sản, nghĩa vụ về thuế với Nhà nước và phân chia lợi nhuận của các bên từ hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích tình huống cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản là xe máy chuyên dùng thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Theo đó:

– Xe máy chuyên dùng là loại tài sản bắt buộc phải đăng ký do đó trước khi đưa xe vào tham gia giao thông hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, chủ sở hữu bắt buộc phải thực hiện việc thủ tục đăng ký và xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng[7].

 – Xe máy chuyên dùng là loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu do đó khi góp vốn vào doanh nghiệp, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp. Tác giả lưu ý riêng đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân góp vốn tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào doanh nghiệp thì không cần thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp[8]. Sở dĩ Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như vậy để thống nhất với nguyên tắc toàn bộ các tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chính là tài sản đối ứng bảo đảm việc chịu trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân[9];

– Giá trị của tài sản góp vốn này sẽ được quy đổi tương ứng thành tỷ lệ vốn góp của thành viên hoặc tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong doanh nghiệp tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà người góp vốn tham gia đầu tư kinh doanh;

– Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ[10];

– Sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc góp vốn theo quy định, xe máy chuyên dùng sẽ trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, không còn thuộc quyền sở hữu của cá nhân là thành viên góp vốn hoặc cổ đông trong doanh nghiệp[11]. Với tư cách là chủ sở hữu, doanh nghiệp có toàn quyền trong việc quản lý, vận hành, định đoạt tài sản đồng thời chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề phát sinh liên quan. Tác giả lưu ý rằng xe máy chuyên dùng là một trong những loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được xếp loại là nguồn nguy hiểm cao độ[12] và trong quá trình quản lý, vận hành mà để xảy ra thiệt hại thì doanh nghiệp – với tư cách là chủ sở hữu – còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật[13].

– Ở khía cạnh quản lý doanh nghiệp, trong quá trình vận hành xe máy chuyên dùng doanh nghiệp được quyền kê khai, hạch toán tài sản này vào danh mục công cụ dụng cụ trên Bảng cân đối kế toán hoặc hạch toán tài sản cố định và tính khấu hao giá trị tài sản tùy thuộc vào giá trị của xe máy chuyên dùng. Các nguồn thu phát sinh trực tiếp liên quan đến xe máy chuyên dùng từ hoạt động cho thuê hoặc hoạt động kinh doanh khác (nếu có) hoặc các khoản chi phí hợp lý phục vụ cho việc quản lý, vận hành, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hiểm, bồi thường thiệt hại cho Bên thứ ba (nếu có)..vv.. đối với xe máy chuyên dùng thì doanh nghiệp cũng được quyền hạch toán trên Bảng cân đối kế toán miễn là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các quy định về chứng từ tài chính, kế toán và kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán. Hạch toán các nguồn thu và các khoản chi phí này liên quan trực tiếp đến số liệu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là một trong các yếu tố quyết định khoản tiền thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước hàng năm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 đồng thời là một trong những yếu tố quyết định thu nhập nhận về từ việc phân chia kết quả kinh doanh cho các thành viên góp vốn, các cổ đông trong doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến việc nộp thuế thu nhập cá nhân của các thành viên, các cổ đông theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành;

Như vậy có thể thấy, việc góp vốn bằng xe máy chuyên dùng là quyền quan trọng của chủ sở hữu được Hiến pháp, pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp bảo vệ. Giao dịch góp vốn này làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ trước pháp luật của người góp vốn đối với doanh nghiệp nhận góp vốn đồng thời cũng làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước, đối với Bên thứ ba liên quan (nếu có) và đối với các thành viên, cổ đông trong doanh nghiệp đối với quá trình quản lý, vận hành xe sau khi chính thức trở thành chủ sở hữu hợp pháp. Vì vậy, thiết lập các thỏa thuận góp vốn cụ thể giữa chủ sở hữu xe máy chuyên dùng với doanh nghiệp nhận góp vốn đồng thời thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ điều chỉnh quan hệ pháp luật này là đặc biệt quan trọng để xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan và phòng ngừa các tranh chấp xảy ra trong đời sống xã hội.

(Còn tiếp)

Chú ý : Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !

———————————————————————————-

[1] Thạc sỹ-Công chứng viên; thành viên Văn phòng Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Thư ký Hội Công chứng viên TP. Hải Phòng; Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Trang, thành phố Hải Phòng;

[2] Khoản 3, Điều 51 Hiến pháp 2013 quy định : “3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”

[3] Khoản 3, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “3.Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này…”

[4] Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức đầu tư gồm: “1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; 2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; 3. Thực hiện dự án đầu tư; 4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.”

[5] Khoản 1, Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020;

[6] Khoản 20, Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Giao thông đường bộ 2018;

[7] Khoản 2 Điều 57 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi năm 2018 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe máy chuyên dùng phải: “Có đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”. Trình tự, thủ tục đăng ký được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BGTVT ngày 12/06/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký xe máy chuyên dùng;

[8] Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp”

[9] Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.”

[10] Điểm a, khoản 1, Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “..Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;”

[11] Khoản 3, Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.”

[12] Điều 12 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/09/2022 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rằng: “1. Nguồn nguy hiểm cao độ được xác định theo quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.Ví dụ 1: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là nguồn nguy hiểm cao độ.”

[13] Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 601 các nguyên tắc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.