Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 2)

Nguyễn Thị Thu Trang[*]

Tiếp theo Part 1: Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 1)

2. Vướng mắc bất cập về quy định đăng ký chuyển quyền sở hữu xe máy chuyên dùng trong trường hợp góp vốn- nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.

2.1 Bất cập từ việc thiếu đồng bộ về quy định của pháp luật

Như tác giả đã phân tích ở mục 1, việc góp vốn bằng xe máy chuyên dùng là quyền quan trọng của chủ sở hữu được Hiến pháp, pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp bảo vệ. Tuy nhiên, vì tài sản góp vốn ở đây là xe máy chuyên dùng do vậy các trình tự, thủ tục liên quan đến việc đăng ký và chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về giao thông đường bộ. Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi 2018 không quy định cụ thể về các giao dịch dân sự liên quan đến xe máy chuyên dùng và trao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết[1] do vậy hiện nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định nào hướng dẫn về vấn đề này. Thông tư số 22/2019/TT-BGTVT ngày 12/06/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký xe máy chuyên dùng (sau đây gọi tắt là Thông tư 22) hiện là văn bản hướng dẫn thi hành trực tiếp nhất về các vấn đề liên quan đến xe máy chuyên dùng hiện đang có hiệu lực. Điều 1 của Thông tư quy định phạm vi điều chỉnh về cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số đối với xe máy chuyên dùng. Điều 2 của Thông tư quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng. Với các quy định tại Điều 1 và Điều 2 nêu trên có thể hiểu, các vấn đề, thủ tục liên quan đến các loại xe máy chuyên dùng được liệt kê tại Phụ lục 1 của Thông tư 22 thì phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Khi chủ sở hữu có nhu cầu góp vốn bằng tài sản là xe máy chuyên dùng vào doanh nghiệp thì bắt buộc phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu xe cho doanh nghiệp[2] đồng thời tuân thủ thực hiện các trình tự, thủ tục được quy định bởi Thông tư 22 nêu trên.

Tuy nhiên, khi tác giả tiến hành rà soát nội dung thì nhận thấy Thông tư 22 không chứa đựng bất cứ quy định nào về vấn đề đăng ký sang tên đối với trường hợp góp vốn mà chỉ chứa đựng các quy định về trình tự thủ tục áp dụng cho trường hợp mua bán, cho, tặng và thừa kế đối với xe máy chuyên dùng, cụ thể như sau :

– Khoản 1 Điều 3 của Thông tư 22 quy định về các loại giấy tờ xác định quyền sở hữu xe máy chuyên dùng gồm: “1. Hợp đồng mua bán, cho tặng hoặc văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật;

– Điều 10 Thông tư 22 quy định về vấn đề sang tên chủ sở hữu trong cùng một tỉnh, thành phố như sau: “Xe máy chuyên dùng được mua bán, cho, tặng, thừa kế trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu theo quy định….”;

– Điều 11 Thông tư 22 quy định về việc di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng ở khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì “Xe máy chuyên dùng được mua bán, được cho, tặng, thừa kế khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải làm thủ tục di chuyển, đăng ký sang tên chủ sở hữu theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Thông tư này…”

Vậy, với các quy định của Thông tư 22 như nêu trên cần được hiểu là: (i) chủ sở hữu xe máy chuyên dùng chỉ được phép thực hiện các giao dịch mua bán, cho, tặng, thừa kế ngoài ra không được thực hiện bất cứ giao dịch dân sự nào khác hay nên hiểu rằng (ii) Thông tư 22 chỉ mới quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng trong các trường hợp mua bán, cho, tặng, thừa kế và chưa có quy định đối với các loại giao dịch dân sự khác nên chủ sở hữu được quyền tùy nghi lựa chọn thực hiện? Nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất (i) thì phải chăng Thông tư 22 đang gián tiếp cản trở quyền định đoạt của chủ sở hữu xe đối với tài sản hợp pháp của mình theo nguyên tắc mà Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 đang bảo vệ? Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai (ii) thì khi thực hiện việc góp vốn bằng xe máy chuyên dùng các bên liên quan và cơ quan quản lý phải giải quyết theo trình tự, thủ tục và thành phần hồ sơ như thế nào cho cơ quan quản lý? Các loại xe khác như xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô, xe máy kéo, rơmoóc, sơ mi rơmoóc thì vấn đề góp vốn vào doanh nghiệp bằng các loại xe này đã được pháp luật quy định rất cụ thể[3] nhưng dường như nhóm các loại xe chuyên dùng liệt kê tại Phụ lục 1 của Thông tư 22 lại đang bị “bỏ rơi” trong khi đây đều là những loại xe chuyên dùng được sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng – một trong những lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu của đất nước. Sự thiếu đồng bộ về quy định của Thông tư 22 so với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư như tác giả phân tích tại bài viết này đã dẫn đến thực tiễn hiện nay người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn hoặc đành phải chấp nhận giao kết các giao dịch giả tạo nhằm đạt được mục đích chuyển quyền sở hữu xe máy chuyên dùng cho doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp trong đời sống xã hội mà tác giả sẽ phân tích tại mục 2.2 dưới đây.

2.2 Khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi góp vốn đầu tư kinh doanh và đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng

Những vướng mắc, bất cập như tác giả phân tích ở trên đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi góp vốn đầu tư kinh doanh và đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng. Đối với người dân góp vốn đầu tư kinh doanh, việc không hoàn tất được thủ tục chuyển quyền sở hữu xe máy chuyên dùng cho doanh nghiệp dẫn đến (i) không đủ điều kiện để ghi nhận vốn góp/cổ phần của họ trong doanh nghiệp; (ii) không xác định được cụ thể quyền, lợi ích chính đáng của họ trong doanh nghiệp và (iii) đặc biệt là phạm vi chịu trách nhiệm của họ trong các trường hợp phát sinh bồi thường thiệt hại cho Bên thứ ba do nguồn nguy hiểm cao độ là xe máy chuyên dùng gây ra khi quản lý, vận hành xe như tác giả đã phân tích. Đối với doanh nghiệp, việc không thể tiến hành việc đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng đã nhận góp vốn đã dẫn đến (i) không thể giải quyết các thủ tục ghi nhận và chứng nhận tỷ lệ sở hữu vốn góp của thành viên hoặc tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp nên không đủ cơ sở để phân chia quyền lợi, trách nhiệm cho các thành viên/cổ đông của doanh nghiệp mình; (ii) không thể kê khai xe máy chuyên dùng vào danh sách công cụ dụng cụ hoặc tài sản cố định của doanh nghiệp trên Bảng cân đối kế toán; (iii) không thể hạch toán các chi phí hợp lý thực tế phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành xe máy chuyên dùng làm chi phí của doanh nghiệp khiến cho số liệu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không được phản ánh đầy đủ, chính xác trong các kỳ kê khai quyết toán thuế; (iv) khi xảy ra các tình huống bị xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra..vv..việc không đăng ký chuyển quyền sở hữu được cho doanh nghiệp dẫn đến các rủi ro tranh chấp pháp lý giữa các Bên liên quan; (vi) khó khăn khi đưa xe máy chuyên dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các trường hợp thi công công trình xây dựng hoặc hoạt động kinh doanh bắt buộc xe phải có đăng ký hoặc phù hiệu của doanh nghiệp..vv và hàng loạt những khó khăn khác ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các Bên liên quan.

Tác giả tìm hiểu và được biết một số trường hợp, vì để có thể hạch toán được tài sản hoặc sử dụng được tài sản để tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù bắt buộc xe phải có Giấy đăng ký, phù hiệu mang tên doanh nghiệp mà người dân và doanh nghiệp “đành lòng” phải thông đồng giao kết các hợp đồng giả tạo như mua bán, cho tặng xe máy chuyên dùng để có thể thực hiện được việc đăng ký sang tên cho doanh nghiệp và chấp nhận phải nộp các khoản thuế, lệ phí trước bạ sang tên tài sản mặc dù theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì đây là khoản lệ phí các bên được miễn nộp[4]. Đây là thiệt hại về tài chính mà doanh nghiệp đành phải “chấp nhận”. Không dừng lại ở các thiệt hại về tài chính, nguy cơ nảy sinh các tranh chấp cũng bắt nguồn từ đây. Hợp tác đầu tư kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công, thất bại, rủi ro xảy ra là vô cùng phổ biến. Khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ hoặc phải bồi thường thiệt hại cho Bên thứ ba thì tranh chấp diễn ra là điều khó có thể tránh được. Người góp vốn ký kết Hợp đồng bán xe cho doanh nghiệp mà gặp phải doanh nghiệp không đàng hoàng, không thực hiện các thủ tục ghi nhận vốn góp/ cổ phần thì không có tư cách là thành viên/cổ đông trong doanh nghiệp để yêu cầu các quyền lợi chính đáng trong doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phân chia kết quả kinh doanh. Nếu họ muốn rút vốn thì doanh nghiệp có thể không đồng ý bởi các bên đã giao kết Hợp đồng mua bán xe, về lý thuyết thì doanh nghiệp đã thanh toán tiền mua xe và đăng ký sang tên xe thì không có trách nhiệm phải trả lại cho họ từ đó có thể chiếm đoạt quyền sở hữu tài sản. Ngược lại, nếu trong quá trình vận hành, quản lý xe máy chuyên dùng xảy ra tai nạn lao động hoặc tổn thất cho Bên thứ ba mà giữa các Bên không đàm phán được thì doanh nghiệp lại thường muốn khởi kiện tranh chấp ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu Hợp đồng mua bán xe là giả tạo với lý do nhằm che đậy giao dịch thực tế là góp vốn giữa hai bên từ đó yêu cầu Tòa án công nhận giao dịch góp vốn để ràng buộc tư cách thành viên/cổ đông trong doanh nghiệp và liên đới trách nhiệm của người góp vốn trong việc bồi thường thiệt hại cho Bên thứ ba…vv..

Trên đây là một số phân tích của tác giả nhằm chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải khi góp vốn và nhận góp vốn đầu tư kinh doanh cũng như đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng. Những khó khăn, vướng mắc này xuất phát chính từ sự thiếu đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những thiếu hụt của Thông tư 22 dẫn đến các quan điểm áp dụng pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn. Quyền/ lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp không được bảo đảm và đôi khi còn kéo theo hệ lụy liên đới trách nhiệm của các cơ quan khác như cơ quan công chứng và chứng thực mà tác giả sẽ phân tích dưới đây.

(Còn tiếp)

Chú ý : Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !

————————————————————————

[1] Khoản 6, Điều 57 Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi 2018 quy định: “6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cấp, thu hồi đăng ký, biển số; quy định danh mục xe máy chuyên dùng phải kiểm định và tổ chức việc kiểm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số và kiểm định xe máy chuyên dùng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

[2] Khoản 3, Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020;

[3] Khoản 4, Điều 6 và điểm c, Khoản 1, Điều 32 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.

[4] Điểm a, khoản 1, Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “..Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;”