Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 3)

Nguyễn Thị Thu Trang[*]

Tiếp theo Part 2: Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 2)

2.3 Khó khăn cho các cơ quan thực hiện việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch góp vốn bằng xe máy chuyên dùng.

Tác giả hiện là Công chứng viên và trong quá trình hành nghề công chứng đã không ít lần tiếp nhận yêu cầu công chứng Hợp đồng góp vốn đối với tài sản là xe máy chuyên dùng của các cá nhân vào doanh nghiệp để cùng hợp tác đầu tư kinh doanh. Cần nhấn mạnh rằng, chủ sở hữu hợp pháp xe máy chuyên dùng có toàn quyền định đoạt tài sản của mình theo các nguyên tắc mà Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định trong đó bao gồm cả việc góp vốn vào doanh nghiệp để cùng đầu tư kinh doanh. Quyền tự do thỏa thuận và giao kết Hợp đồng góp vốn giữa của chủ tài sản và doanh nghiệp nhận góp vốn cũng đã được ghi nhận rất cụ thể bởi Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 như tác giả đã phân tích ở trên. Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi 2018 và Thông tư 22 ra đời trước khi Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực đồng thời không chứa đựng bất cứ quy định nào cấm chủ sở hữu xe máy chuyên dùng không được góp vốn bằng tài sản này của mình. Do vậy, căn cứ theo quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành[1] thì chủ sở hữu xe máy chuyên dùng và doanh nghiệp hoàn toàn có quyền thỏa thuận và giao kết Hợp đồng góp vốn trong tình huống này. Việc góp vốn bằng xe máy chuyên dùng của chủ sở hữu vào doanh nghiệp là phù hợp quy định của pháp luật hiện hành như tác giả đã phân tích. Hợp đồng góp vốn này không bắt buộc phải công chứng nhưng các bên hoàn toàn có quyền yêu cầu Công chứng viên chứng nhận nếu có nhu cầu. Dẫn chiếu các quy định nêu trên và nếu các bên đáp ứng đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục pháp luật công chứng đã quy định thì Công chứng viên không được từ chối thực hiện việc công chứng Hợp đồng góp vốn trong tình huống này[2]. Hợp đồng này các bên cũng có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chứng thực và nếu các bên đáp ứng đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch; không thuộc các trường hợp được từ chối chứng thực thì Ủy ban nhân dân cũng không được từ chối[3] mà không có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật. Như vậy có thể thấy, các cơ quan công chứng và chứng thực không thể từ chối mà bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng/ chứng thực các hợp đồng, giao dịch góp vốn bằng xe máy chuyên dùng cho người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu.

Sau khi công chứng/chứng thực các hợp đồng, giao dịch góp vốn bằng xe máy chuyên dùng, nếu rủi ro xảy ra tranh chấp như tác giả đã phân tích ở trên thì không chỉ các bên tham giao giao dịch phải tham gia giải quyết mà theo quy định của pháp luật công chứng, chứng thực hiện hành, các Công chứng viên/ Người thực hiện chứng thực cũng phải liên đới tham gia giải quyết tranh chấp. Việc này kéo theo những rắc rối cho các cơ quan này, làm mất thời gian, công sức, nhân lực, nguồn lực tham gia giải quyết tranh chấp. Với trường hợp mà các bên cố tình thông đồng giao kết các Hợp đồng giả tạo như mua bán, tặng cho xe máy chuyên dùng nhằm đạt được mục đích đăng ký sang tên thì các Công chứng viên/ Người thực hiện chứng thực còn phải đối diện với nguy cơ bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu hợp đồng, giao dịch mà mình đã chứng nhận trong khi chính bản thân Công chứng viên/ Người thực hiện chứng thực Hợp đồng góp vốn cũng là nạn nhân của hành vi cố ý thông đồng giao kết hợp đồng, giao dịch giả tạo của các bên liên quan như tác giả phân tích nêu trên.

Một thực tế nữa mà tác giả nhận thấy là các lỗ hổng về quy định pháp luật hiện nay có thể tạo điều kiện cho các bên giao kết nhiều loại hợp đồng, giao dịch khác nhau hoặc giao kết hợp đồng, giao dịch với nhiều bên khác nhau đối với cùng một xe máy chuyên dùng để phục vụ các mục đích khác nhau thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp và gây mất trật tự trị an trong xã hội, cụ thể :

– Bản chất là giao dịch góp vốn nên người góp vốn và doanh nghiệp giao kết các thỏa thuận góp vốn mà không trình báo tài liệu này đến với bất cứ cơ quan quản lý nào liên quan hoặc có thể yêu cầu công chứng/ chứng thực Hợp đồng, giao dịch này tại một Tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại một Ủy ban nhân dân cấp xã bất kỳ trên toàn quốc;

– Lợi dụng việc hiện nay chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý về các giao dịch liên quan đến các loại xe chuyên dùng dẫn đến không có sự liên thông thông tin giữa các cơ quan công chứng/chứng thực và để đạt được mục đích đăng ký sang tên theo quy định tại Thông tư 22, người góp vốn và doanh nghiệp cố tình thông đồng giao kết Hợp đồng giả tạo về việc mua bán hoặc cho, tặng xe máy chuyên dùng tại một Tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại một Ủy ban nhân dân cấp xã khác với các đơn vị ban đầu đã chứng nhận hợp đồng, giao dịch góp vốn để có hồ sơ nộp đến Sở Giao thông vận tải tiến hành thủ tục.

– Đối với các đối tượng lừa đảo, cùng một xe máy chuyên dùng, lợi dụng kẽ hở từ việc thiếu nhất quán quy định pháp luật, thiếu hệ thống quản lý thông tin giao dịch như tác giả đã phân tích ở trên thì các đối tượng này có thể vừa thỏa thuận góp vốn vào doanh nghiệp, vừa có thể thỏa thuận đặt cọc hoặc bán cho Bên thứ ba để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tiền gây mất trật tự trị an trong xã hội.

Như vậy có thể thấy, sự thiếu đồng bộ quy định của pháp luật đã tạo ra những rào cản và những khó khăn, rủi ro không chỉ cho người dân và doanh nghiệp mà còn cho chính các cơ quan công chứng/ chứng thực. Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở những cơ quan công chứng và chứng thực. Công chứng hoặc chứng thực được Hợp đồng góp vốn bằng tài sản là xe máy chuyên dùng mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình thực hiện việc đăng ký chuyển quyền sở hữu xe máy chuyên dùng từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp nhận góp vốn. Căn cứ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi năm 2018 và Thông tư 22, Sở Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký chuyển quyền này cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, vì những vấn đề vướng mắc, bất cập như tác giả đã phân tích tại bài viết này, không hiếm trường hợp người dân, doanh nghiệp bị cơ quan quản lý trả lại hồ sơ với nguyên nhân “chưa có quy định” hoặc tệ hơn là “không có quy định” tại Thông tư 22. Và đây cũng là nguyên dân dẫn đến không ít những khó khăn, vướng mắc cho chính các cơ quan quản lý trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các thủ tục đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng khi người dân, doanh nghiệp có yêu cầu như tác giả phân tích dưới đây.

2.3 Khó khăn cho phía cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện thủ tục

Theo quy định tại Thông tư 22, cơ quan trực tiếp quản lý và có thẩm quyền giải quyết các thủ tục liên quan đến việc đăng ký sang tên và cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng là Sở Giao thông Vận tải tại các tỉnh, thành phố trong cả nước[4]. Đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã thực hiện cung cấp dịch vụ đăng ký sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng. Như vậy, người dân và doanh nghiệp có quyền lựa chọn phương thức nộp hồ sơ trực tiếp tại các Sở Giao thông Vận tải hoặc nộp trực tuyến thông qua hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Những cải tiến về phương thức tiếp nhận, xử lý hồ sơ này là bước chuyển biến hết sức tích cực và phù hợp với định hướng của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020[5]. Tuy nhiên, cho dù có chuyển đổi số và nộp hồ sơ thông qua hệ thống Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia, các trình tự thủ tục mà người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải thực hiện, thành phần hồ sơ tài liệu cần cung cấp vẫn được triển khai theo quy định tại Thông tư 22[6],[7]. Trường hợp hồ sơ, tài liệu mà người dân, doanh nghiệp cung cấp không đầy đủ hoặc không đáp ứng quy định tại Thông tư này thì các Sở Giao thông Vận tải bắt buộc phải trả lại hồ sơ cho người nộp. Trong trường hợp người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại các Sở Giao thông Vận tải thì việc này cũng không có gì khác biệt, các cán bộ tiếp nhận và thụ lý hồ sơ vẫn bắt buộc phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục quy định tại Thông tư 22. Cán bộ, công chức bắt buộc phải thực hiện đúng, nghiêm túc, đầy đủ trình tự thủ tục và chấp hành các quyết định của cấp trên[8] mà cụ thể ở đây là Thông tư 22 là văn bản do Bộ Giao thông Vận tải – cơ quan cấp trên của Sở Giao thông Vận tải đã ban hành và có hiệu lực pháp luật. Cho dù có thấu hiểu các vướng mắc, khó khăn thì với các quy định này, các cán bộ, công chức trực tiếp thụ lý giải quyết hồ sơ đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng cũng không thể linh hoạt áp dụng các quy định của ngành luật khác để giải quyết thủ tục trong lĩnh vực giao thông vận tải. Việc không thể giải quyết hoặc buộc phải từ chối, trả lại hồ sơ trong tình huống này khó tránh khỏi việc tạo ra những bức xúc cho người dân và doanh nghiệp thậm chí trong một số trường hợp rất dễ dẫn đến sự hiểu nhầm về năng lực chuyên môn và đạo đức trong công việc của các cán bộ, công chức.

Thiết nghĩ, hàng loạt những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn liên quan đến vấn đề đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng như tác giả phân tích tại bài viết này xuất phát từ sự thiếu đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đã đến lúc nhà làm luật cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề bất cập này để sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cho chính các cơ quan quản lý, các cán bộ công chức đang hàng ngày trực tiếp giải quyết thủ tục theo quy định.

(Còn tiếp)

Chú ý : Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !

——————————————————————————–

[1] Khoản 2 và 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020 quy định: “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; 3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”

[2] Điểm c, khoản 2, Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 quy định Công chứng viên có nghĩa vụ: “c. Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;” đồng thời điểm d, khoản 1, Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 nghiêm cấm Công chứng viên: “Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng…”

[3] Khoản 7, Điều 9 và Khoản 2, Điều 35 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định người thực hiện chứng thực: “….có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội.” và “Trong trường hợp từ chối chứng thực, người thực hiện chứng thực phải giải thích rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu chứng thực.”

[4] Khoản 1 và 2, Điều 21 Thông tư số 22/2019/TT-BGTVT ngày 12/06/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký xe máy chuyên dung quy định: “Điều 21. Sở Giao thông vận tải: 1. Tổ chức thực hiện việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng theo quy định của Thông tư này tại địa phương; 2. Quản lý hồ sơ đăng ký.”

[5] Mục I Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 định hướng tầm nhìn đến năm 2030 đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.”;

[6] Sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh, thành phố; https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-tthc-thu-tuc-hanh-chinh-chi-tiet.html?ma_thu_tuc=2867&open_popup=1; truy cập ngày 27/08/2024;

[7] Di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng ở khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=1.002007; truy cập ngày 27/08/2024;

[8] Khoản 1 và 5, Điều 9 Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi năm 2019 quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ phải: “1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; 5. Chấp hành quyết định của cấp trên.”;