Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 4)

Nguyễn Thị Thu Trang[*]

Tiếp theo Part 3: Góp vốn bằng xe máy chuyên dùng – Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý vì vướng mắc quy định của pháp luật (Part 3)

3. Đề xuất kiến nghị giải pháp tháo gỡ

Qua phân tích các vướng mắc, bất cập, khó khăn của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết thủ tục chuyển quyền sở hữu các loại xe máy chuyên dùng quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 22, trong phạm vi tầm hiểu biết của bản thân, tác giả xin mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị giải pháp tháo gỡ như sau :

Thứ nhất, cần xác định nhất quán quan điểm, chủ sở hữu hợp pháp xe máy chuyên dùng là chủ tài sản và có toàn quyền định đoạt tài sản theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc quyết định góp vốn đầu tư kinh doanh bằng xe máy chuyên dùng của chủ sở hữu là phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020; không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được cản trở quyền định đoạt này của chủ tài sản mà không có căn cứ pháp luật;

Thứ hai, thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020 về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo nguyên tắc : Thông tư 22 quy định trình tự, thủ tục cho các trường hợp mua bán, cho, tặng, thừa kế không đồng nghĩa cấm chủ sở hữu thực hiện các giao dịch dân sự khác liên quan đến xe máy chuyên dùng. Theo tìm hiểu của tác giả, pháp luật hiện hành không có quy định cấm chủ sở hữu góp vốn đầu tư kinh doanh bằng xe máy chuyên dùng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, do vậy, kiến nghị không viện dẫn và áp dụng Thông tư 22 theo hướng chỉ công nhận các giao dịch mua bán, cho, tặng, thừa kế và từ chối các giao dịch dân sự khác liên quan đến xe máy chuyên dùng làm cản trở quyền tự do tự định đoạt của chủ tài sản xe máy chuyên dùng.

Thứ ba, tác giả kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần sớm xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung lại quy định của Thông tư 22 theo định hướng tôn trọng quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 về quyền tự do tự định đoạt tài sản của chủ sở hữu hợp pháp. Mọi giao dịch dân sự liên quan đến xe máy chuyên dùng được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Thông tư 22 chỉ quy định về trình tự, thủ tục. Ngoài ra, cần cập nhật bổ sung điều chỉnh lại các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 22 theo định hướng áp dụng chung cho tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến xe máy chuyên dùng của chủ sở hữu xe.

Thứ tư, để phòng ngừa tình trạng giả mạo chữ ký, giả mạo con người khi tham gia giao kết hợp đồng; lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân để gian dối trong quá trình các bên thỏa thuận, giao kết, thực hiện các hợp đồng giao dịch liên quan đến xe máy chuyên dùng, tác giả kiến nghị Nhà nước xem xét chính thức ban hành quy định bắt buộc công chứng hoặc chứng thực mọi hợp đồng, giao dịch liên quan đến các loại xe máy chuyên dùng nói riêng và các loại xe khác trong đời sống xã hội.

Thứ năm, hướng đến phòng ngừa tình trạng giao kết các giao dịch giả tạo hoặc đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu đồng bộ quy định của pháp luật, thiếu hụt hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các hợp đồng, giao dịch liên quan đến xe máy chuyên dùng nói riêng và các loại động sản nói chung như xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô, xe máy kéo, rơmoóc, sơ mi rơmoóc…vv.. tác giả kiến nghị Nhà nước cần xem xét chuyển giao thẩm quyền quản lý về một cơ quan là Bộ Công an để bảo đảm tính thống nhất chung đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc gia quản lý các giao dịch liên quan đến các loại xe và cho phép người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan liên quan như cơ quan công chứng/ chứng thực được tiếp cận một cách hợp lý trên cơ sở tôn trọng các quy định về bí mật thông tin Nhà nước.

Tạm kết :

Góp vốn đầu tư kinh doanh bằng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình là quyền của chủ tài sản được Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 quy định và bảo vệ. Góp vốn đầu tư kinh doanh bằng xe máy chuyên dùng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ tài sản cũng không phải là ngoại lệ. Những vướng mắc, bất cập, khó khăn của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện góp vốn và đăng ký sang tên xe máy chuyên dùng như tác giả đã phân tích tại bài viết này là thực trạng rất cần được Nhà nước quan tâm, lắng nghe và sớm có giải pháp tháo gỡ. Trong tầm hiểu biết hạn hẹp, những phân tích, đánh giá và nhận định của tác giả trong bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến phản biện, các ý kiến đóng góp của các Quý cơ quan, độc giả quan tâm để bài viết được hoàn thiện hơn từ đó đóng góp hữu ích cho việc kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của nước ta. Xin trân trọng cảm ơn !

Chú ý : Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !