Phải làm gì nếu mất Giấy khai sinh?

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Sẽ thế nào khi mất giấy khai sinh? Có xin được bản giấy khai sinh khác không? Hôm nay Luật Nguyễn Trang sẽ giải đáp cho các bạn về điều này.

Pháp luật về hộ tịch của Việt Nam hiện nay chia làm 02 (hai) trường hợp:

Trường hợp 1: Làm thủ tục cấp bản sao trích lục khai sinh.

Điều kiện:

– Mất Giấy khai sinh bản chính nhưng vẫn còn thông tin trong Sổ hộ tịch (Cơ sở dữ liệu về hộ tịch).

Thẩm quyền:

– Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.

– Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch

+ Ủy ban nhân dân cấp xã

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện

+ Bộ Tư pháp

+ Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài

+ Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền.

Hồ sơ gồm:

– Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch;

– Xuất trình bản chính một trong các giấy tờ: Hộ chiếu, CMND, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú

Sau khi nhận được yêu cầu, Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch sẽ cấp Trích lục khai sinh cho bạn. Nội dung bản sao trích lục khai sinh được ghi đúng theo thông tin trong Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Những thông tin Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử không có để ghi vào mẫu bản sao trích lục khai sinh hiện hành thì để trống.

Và bản sao trích lục khai sinh có giá trị thay cho bản chính trong các giao dịch.

Trường hợp 2: Đăng ký lại khai sinh

Điều kiện:

Nếu bạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau theo Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì được thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh lại:

– Đã đăng ký khai sinh trước ngày 01/01/2016;

– Sổ hộ tịch và bản chính Giấy khai sinh đều bị mất.

Thẩm quyền:

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh.

Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh:

– Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ.

– Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

– Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh: Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú; Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, hồ sơ học tập do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận; Giấy tờ khác có thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.

Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao các giấy tờ nêu trên (nếu có) và cam đoan về việc đã nộp đủ các giấy tờ mình có; chịu trách nhiệm, hệ quả của việc cam đoan không đúng sự thật.

– Trường hợp giấy tờ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xác minh.

Trường hợp cơ quan công an trả lời không có thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký lại khai sinh lập văn bản cam đoan về thông tin của cha, mẹ theo quy định tại Thông tư này và xác định nội dung khai sinh theo văn bản cam đoan.

Luật Nguyễn Trang rất vui khi được chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cho quý khách hàng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *