Xác thực thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số – thách thức và giải pháp từ hoạt động công chứng (Part 1)

Nguyễn Thị Thu Trang[1]

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích các thành tựu đạt được từ chủ trương chuyển đổi số lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp cùng những thách thức từ thực tiễn hiện đang đặt ra cho cơ quan quản lý trong việc phòng ngừa và giảm thiểu các doanh nghiệp có đăng ký thành lập nhưng không thực tế hoạt động như thông tin đã đăng ký nhằm mục đích thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật từ đó đề xuất giải pháp đến từ hoạt động công chứng của các Công chứng viên.

Từ khóa: Minh bạch; doanh nghiệp; xác thực thông tin; điều lệ; công chứng.

Abstract: This article focuses on analyzing the achievements attained from the digital transformation initiatives in the registration of business establishment, as well as the challenges currently posed to regulatory authorities in preventing and mitigating the existence of registered enterprises that do not operate in reality as per the registered information, thereby facilitating legal violations. It subsequently proposes solutions derived from the notarization activities of Notaries.

Keywords: Transparency; enterprises; information verification; charter; notarization

          Đặt vấn đề :

          Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những cơ hội đổi mới đồng thời cũng mang lại những thách thức không hề nhỏ cho Việt Nam. Nhằm kịp thời nắm bắt thời cơ, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những quyết sách rất quan trọng trong vấn đề chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu[2]. Thực hiện theo chủ trương trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tích cực thực hiện những cải cách lớn trong công tác quản lý hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam, tiêu biểu trong đó là lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp được triển khai thực hiện thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dưới đây gọi tắt là Cổng thông tin). Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng được đơn giản hóa và trở nên nhanh chóng, thuận tiện cho các nhà đầu tư kể từ khi Cổng thông tin được xây dựng và vận hành. Cải cách này đã và đang tạo đà thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam đồng thời tăng cường tính minh bạch thông tin và hiệu quả của công tác quản lý. Bên cạnh những mặt tích cực, mặt trái của vấn đề này là sự xuất hiện và gia tăng các doanh nghiệp có đăng ký thành lập nhưng không thực tế hoạt động như thông tin đã đăng ký với cơ quan quản lý nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hướng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội và thường được biết đến với cụm từ doanh nghiệp “ma”. Doanh nghiệp “ma” đã, đang dần trở thành một thách thức không hề nhỏ cho các cơ quan quản lý trong việc điều hành hoạt động của hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam. Vấn đề xác thực thông tin của doanh nghiệp, xác thực thông tin của các nhà đầu tư tham gia thành lập và vận hành doanh nghiệp đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội đòi hỏi nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ. Tại bài viết này tác giả xin được điểm qua những thành tựu đạt được từ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp đồng thời phân tích những yêu cầu và thách thức mà thực tiễn đời sống xã hội đang đặt ra; làm rõ vai trò, chức năng xã hội của hoạt động công chứng và Công chứng viên từ đó đề xuất giải pháp nhằm góp phần vào việc phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp “ma” tại Việt Nam trong tương lai.

  1. Chuyển đổi số và những thành tựu đạt được trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang nổi lên là một trong những nền kinh tế trẻ năng động hàng đầu trong khu vực và trên thế giới với những chỉ số tăng trưởng đặc biệt ấn tượng[3]. Sự phát triển này có đóng góp không nhỏ từ hệ thống các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Năm 2019 đại dịch Covid-19 xuất hiện kéo theo sau đó là những biến động về kinh tế xã hội trên thế giới đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho tất cả các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Bất chấp khó khăn kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và dần tiến vào top những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu theo số liệu công bố mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm 2023 với GDP (PPP) đạt khoảng 1.438 tỉ USD, xếp thứ 25/192 trên thế giới và GDP bình quân (PPP) đầu người đạt khoảng 14.342 USD, xếp thứ 108/192 trên thế giới[4]. Thành tựu đạt được này có sự đóng góp không hề nhỏ từ hệ thống doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Tiếp nối thành tựu của năm 2023, trong năm 2024, hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 07 tháng đầu năm 2024 là 95.217 doanh nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký thành lập trong 07 tháng năm 2024 đạt 854.646 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 07 tháng năm 2024 là 1.773.804 tỷ đồng (giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 854.646 tỷ đồng (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023). Có 27.101 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 07 tháng năm 2024 (giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2023), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 919.158 tỷ đồng (giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2023)[5].

Đại dịch Covid-19 và tình hình biến động kinh tế xã hội trên thế giới thời gian qua vừa là thách thức nhưng cũng là cú hích lớn tạo đà cho hoạt động chuyển đổi số nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội tại Việt Nam. Thành công tiêu biểu nhất có thể kể đến đó là chuyển đổi số các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hệ thống doanh nghiệp và đặc biệt là lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp. Giờ đây, nhà đầu tư có nhu cầu thành lập doanh nghiệp không cần tốn thời gian di chuyển mà có thể ngồi tại nhà, truy cập vào website Cổng thông tin do Bộ Công thương quản lý và vận hành[6] để tìm hiểu các quy định; tiếp cận các hướng dẫn về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đồng thời chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thao tác nộp hồ sơ thông qua website. Với hệ thống Cổng thông tin này, việc kiểm tra thông tin doanh nghiệp trước khi quyết định giao dịch, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp cũng giúp các cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu từng bước trở nên đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Khi quan tâm đến một doanh nghiệp, bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng đều có thể tra soát thông tin chi tiết về doanh nghiệp đó thông qua các Bố cáo thành lập doanh nghiệp và lịch sử đăng ký thông tin doanh nghiệp các năm gần nhất..vv..được đăng tải trên Cổng thông tin. Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã góp phần minh bạch thông tin về doanh nghiệp và giảm thiểu nguy cơ những đối tượng xấu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây hệ lụy cho đời sống kinh tế – xã hội. Phương thức này cũng đã rút ngắn rất nhiều thời gian, công sức cho việc thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển hệ thống doanh nghiệp Việt Nam qua các giai đoạn, có thể nói, chưa khi nào việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp được các nhà đầu tư thực hiện một cách đơn giản, đồng bộ, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả như giai đoạn hiện nay. Sự chuyển đổi tích cực này trong hoạt động quản lý doanh nghiệp của Nhà nước đã, đang góp phần thúc đẩy và duy trì tốc độ phát triển nhanh của hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các kết quả này là minh chứng tích cực cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua về việc chuyển đổi số hoạt động của các cơ quan quản lý từ đó góp phần bảo đảm quyền tự do đầu tư thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh của mọi người được Hiến pháp bảo hộ[7]. Chuyển đổi số là con đường phát triển nhanh và bền vững, là phương thức phát triển mới để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao[8]. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau[9].

(Còn tiếp)

Chú ý: Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn, xin trân trọng cảm ơn !

———————————————————————

[1] ThS.Công chứng viên Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên Văn phòng Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Thư ký Hội Công chứng viên Tp. Hải Phòng – Trưởng VPCC Nguyễn Trang thành phố Hải Phòng. Bài viết được sử dụng trong Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia” do Trường ĐH Luật Tp. HCM phối hợp cùng Hội Công chứng viên Tp. HCM tổ chức ngày 11/09/2024.[Version 1_9_9] KỶ YẾU HỘI THẢO XÁC THỰC THÔNG TIN DOANH NGHIỆP

[2] Khái quát về chuyển đổi số và các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ – Tác giả : ThS.Lê Thị Kim Liên, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; đăng tải tại website: https://isos.gov.vn/cds/khai-quat-ve-chuyen-doi-so-va-cac-giai-phap-de-thuc-hien-chuyen-doi-so-tai-bo-noi-vu;truy cập ngày 04/09/2024

[3]Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6  trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định, kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP” trích bài đăng : “Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN – Báo Thế giới và Việt Nam – Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao; https://baoquocte.vn/toc-do-tang-truong-kinh-te-so-cua-viet-nam-dung-thu-nhat-asean-279377.html, truy cập ngày 25/07/2024

[4] “Việt Nam tiến vào top nền kinh tế lớn nhất toàn cầu”, Mai Phương – Hà Mai, bài viết được đăng tải tại website: https://thanhnien.vn/viet-nam-tien-vao-top-nen-kinh-te-lon-nhat-toan-cau-185240831230123375.htm; truy cập ngày 05/09/2024;

[5] Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 7 và 7 tháng năm 2024; https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/6716/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-thang-7-va-7-thang-nam-2024.aspx; truy cập ngày 02/9/2024;

[6] Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại website:  https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx; truy cập ngày 02/09/2024;

[7]Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” – Điều 33 Hiến pháp 2013;

[8] Chuyển đổi số là phương thức để Việt Nam trở thành nước phát triển – Trích bài  Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị Dịch vụ công trực tuyến ngày 31/08/2024 diễn ra tại Tp. Đà Nẵng; https://mic.gov.vn/chuyen-doi-so-la-phuong-thuc-de-viet-nam-tro-thanh-nuoc-phat-trien-197240902115631253.htm#:~:text=C; truy cập ngày 02/09/2024;

[9] “Chuyển đổi số – động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”- Trích bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được đăng tải tại website: https://www.anninhthudo.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-so-hoa-toan-dien-hoat-dong-quan-ly-nha-nuoc-post587947.antd; truy cập ngày 02/09/2024;