Nâng cao chất lượng đội ngũ Công chứng viên cần bắt nguồn từ xác định chính xác mô hình công chứng và điều chỉnh phù hợp văn bản quy phạm pháp luật

Tóm tắt: Bài viết đi sâu phân tích các bất cập xuất phát từ việc không xác định rõ ràng mô hình công chứng tại Việt Nam, các tác động của bất cập đến hoạt động công chứng nói chung và chất lượng đội ngũ Công chứng viên tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay từ đó kiến nghị các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động công chứng nói chung và chất lượng đội ngũ Công chứng viên Việt Nam nói riêng trong tương lai.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang – ThS.Công chứng viên, Trưởng VPCC Nguyễn Trang – TP. Hải Phòng

Từ khóa: Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi); Công chứng; Chứng thực; Công chứng viên; Mô hình công chứng; Chất lượng đội ngũ Công chứng viên;…

Abstract: The article provides a profound analysis of the inherent deficiencies stemming from the lack of a well-defined notarial model in Vietnam. It elucidates the ramifications of these shortcomings on the broader spectrum of notarial operations and the caliber of the notary public cadre in contemporary Vietnam. Consequently, the article proposes a series of meticulously devised measures and legal amendments aimed at incrementally enhancing the quality of notarial activities at large and the proficiency of the Vietnamese notary public corps in the foreseeable future

 Việt Nam hiện nay là một trong các quốc gia đang nổi lên trong khu vực và trên thế giới về tốc độ phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân đang từng bước được cải thiện và nâng cao. Với hàng loạt thuận lợi từ chính sách cởi mở, an ninh chính trị ổn định, văn hóa đa dạng, đặc điểm vị trí địa lý, giao thông vận tải, tỷ lệ dân số vàng..vv.vv đã và đang biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI trên thế giới. Sự giao lưu, hội nhập của kinh tế – xã hội Việt Nam với thế giới đặt ra yêu cầu pháp luật Việt Nam cũng ngày càng phải hoàn thiện tốt hơn và tiệm cận hơn với pháp luật trên thế giới. Pháp luật công chứng cũng không nằm ngoài quy luật này. Luật công chứng (LCC) số 53/2014/QH13 do Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20/6/2014 là văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động công chứng. Kể từ LCC 2006 cho đến LCC 2014 gắn liền với sự cho phép thành lập các Tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) do các Công chứng viên (CCV) tự thành lập đã ghi nhận công chứng là một dịch vụ trong xã hội, không còn thuần túy là một thủ tục hành chính như giai đoạn trước. LCC năm 2014 được đánh giá như một bước tiến lớn làm giảm rõ rệt yếu tố hành chính trong hoạt động công chứng. Kể từ khi ban hành áp dụng, hoạt động công chứng đi sâu vào đời sống xã hội, bảo đảm an toàn cho nhiều giao dịch của người dân và góp phần tạo lập môi trường pháp lý thông thoáng, tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại…trong xã hội qua đó góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tư pháp tại nước ta như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết thi hành LCC do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 14/01/2022, sau 05 năm thi hành LCC 2014 hiện cả nước có 1.151 TCHNCC, tăng 526 tổ chức so với năm 2006; có 2.782 công chứng viên (CCV), tăng 2.157 người so với năm 2006; các TCHNCC trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc. Tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng. Tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập trong hoạt động công chứng gây nhức nhối dư luận xã hội điển hình như vấn đề “cho thuê”, “chuyển nhượng” CCV hoặc lôi kéo, giành giật khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCHNCC; chất lượng của văn bản công chứng chưa thực sự cao, chất lượng đội ngũ CCV tại Việt Nam hiện nay còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV vì lợi ích cá nhân hoặc yếu kém chuyên môn đã vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến các CCV có năng lực chuyên môn và đạo đức hành nghề tốt..vv..vv. Sự tồn tại song song, chồng chéo về thẩm quyền và thiếu tính liên kết của hoạt động chứng thực tại UBND cấp xã lại càng tạo ra tiền đề cho hàng loạt những bất cập gây hệ lụy xấu trong xã hội liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp đồng, giao dịch của người dân. Theo quan điểm của tác giả, nguyên nhân trực tiếp của các vấn đề trên xuất phát từ việc pháp luật hiện hành chưa nhất quán xác định chính xác mô hình công chứng tại Việt Nam để áp dụng. Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng cần bắt nguồn từ việc xác định mô hình công chứng kết hợp nâng cao chất lượng đội ngũ CCV. Giải quyết vấn đề này cốt lõi cần bắt đầu từ việc nghiêm túc xem xét, đánh giá, tổng kết một cách khách quan những nhược điểm, tồn tại, hạn chế của LCC năm 2014 và pháp luật liên quan để tiến tới xây dựng, ban hành quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn xã hội là một nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

  1. Việt Nam hiện đang theo mô hình công chứng nào?

Xác định nhất quán mô hình hoạt động của một lĩnh vực luôn là kim chỉ nan cho việc xây dựng bài bản phạm vi, cấu trúc, hệ thống để bảo đảm lĩnh vực đó được vận hành theo đúng định hướng.

Nhu cầu có một Bên thứ ba đóng vai trò “làm chứng” “chứng nhận” khi giao kết các hợp đồng, giao dịch dân sự để bảo đảm tính khách quan, trung thực giữa các bên liên quan đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người cùng thuật ngữ công chứng để chỉ công việc của những người này. Thế giới hiện nay thừa nhận hai mô hình công chứng là công chứng nội dung theo trường phái Latin mà điển hình là các nước Châu Âu lục địa như Pháp, Đức…và công chứng hình thức theo trường phái Anglo-Saxon mà điển hình là các nước Anh, Mỹ…Tại Việt Nam hiện nay, việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch được thực hiện bởi CCV tại các TCHNCC hoặc công chức làm việc tại UBND cấp xã. Hoạt động công chứng được điều chỉnh bởi LCC 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành. Hoạt động chứng thực được điều chỉnh bởi Nghị định 23/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16/02/2015. Đối tượng, phạm vi, trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ của hai hình thức này tương đối giống nhau. Điểm khác biệt chỉ nằm ở thẩm quyền, trách nhiệm và giá trị chứng cứ của văn bản được ban hành. Vậy, chính xác Việt Nam hiện nay đang theo mô hình công chứng nào?

Ngày 09/10/2013, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 84 của Liên minh công chứng Latin quốc tế (UINL) như một khẳng định cho việc Việt Nam lựa chọn mô hình công chứng nội dung. Với mô hình này, bất cứ tình tiết nào được đưa vào nội dung giao dịch CCV đều phải có trách nhiệm xem xét căn cứ chứng minh và quyết định việc chứng nhận giao dịch trên cơ sở các tài liệu, căn cứ được đưa ra bởi các bên chứ không chỉ dừng lại ở việc chứng nhận năng lực, ý chí của chủ thể tham gia giao dịch cũng như thời gian, địa điểm thực hiện giao dịch của các bên. CCV chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản công chứng do mình chứng nhận. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh và bắt buộc chấp hành bởi các bên và cơ quan/tổ chức có liên quan. Do vậy, pháp luật quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV rất khắt khe; trình tự – thủ tục thực hiện việc công chứng của CCV được quy định rất cụ thể, chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng của văn bản công chứng từ đó phòng ngừa rủi ro cho các bên tham gia giao dịch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Với hệ thống pháp luật thành văn cũng như trong bối cảnh xã hội đang phát triển ở Việt Nam và trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận lớn người dân trong xã hội còn chưa cao thì định hướng theo đuổi mô hình công chứng nội dung của Nhà nước ta hiện nay được đánh giá là phù hợp giúp hạn chế, giảm thiểu tranh chấp trong xã hội và góp phần giảm tải áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ngày 16/02/2015, Nghị định 23/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã trao cho UBND cấp xã thẩm quyền được chứng nhận các hợp đồng, giao dịch cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Nghị định này đã và đang gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của mô hình công chứng hình thức thông qua hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp xã với cách thức triển khai công việc tương tự như các CCV ở các nước theo trường phái công chứng hình thức Anglo – Saxon đang thực hiện. Văn bản được chứng thực được thực hiện bởi các cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy hành chính của UBND cấp xã, không được đào tạo chuyên sâu về nghề Luật, được bổ nhiệm dựa trên tiêu chí theo quy định của Luật cán bộ, công chức đồng thời phải kiêm nhiệm rất nhiều các công việc quản lý hành chính nhà nước khác tại địa bàn phụ trách. Văn bản chứng thực chỉ chứng nhận các vấn đề về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch mà không chịu trách nhiệm về nội dung. Với hai thiết chế tồn tại song song như nêu trên, vậy chính xác hiện liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực nay Việt Nam đang theo mô hình công chứng nào? Theo tác giả, việc không nhất quán xác định rõ mô hình công chứng tại Việt Nam đã là nguyên nhân trực tiếp tạo ra hàng loạt các bất cập đã đề cập tại bài viết này.

2. Một số bất cập điển hình xuất phát từ không xác định rõ mô hình công chứng tại Việt Nam hiện nay.

Sự chồng chéo về thẩm quyền đã tạo ra những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, bài trừ lẫn nhau giữa các TCHNCC với chính UBND trong hoạt động chứng nhận hợp đồng, giao dịch mà vốn dĩ phải là các cơ quan, tổ chức có sự gắn bó khăng khít, liên kết chặt chẽ về mặt thông tin nhằm bảo đảm mục tiêu chung là xác thực các vấn đề liên quan đến đối tượng, chủ thể của giao dịch từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, loại bỏ hành vi gian dối, khai báo gian dối, thiếu trung thực trong đời sống xã hội. Bất cập điển hình nhất hiện nay chính là việc kẽ hở từ sự chồng chéo thẩm quyền giữa công chứng và chứng thực bị đối tượng xấu lợi dụng nhằm hành vi trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã tạo ra rất nhiều tranh chấp dân sự và vụ án hình sự trong thời gian quan gây bức xúc trong xã hội. Tác giả xin nêu một số tình huống dẫn chứng cho vấn đề này như sau :

  Tình huống 1: A là chủ sử dụng riêng bất động sản tại địa bàn xã Y, huyện X, thành phố H. Bất động sản này đã được cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định của Luật đất đai hiện hành.  Tháng 01/2022, A cùng B đến VPCC M để tiến hành thủ tục nhận đặt cọc số tiền 500 triệu đồng nhằm bảo đảm cho việc A sẽ chuyển nhượng bất động sản nêu trên cho B trong thời gian 06 (sáu) tháng. Do hai bên chỉ mới ký kết hợp đồng đặt cọc nên A vẫn là người trực tiếp quản lý, sử dụng bất động sản cũng như quản lý bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 03/2022, vì thị trường biến động khiến giá chuyển nhượng bất động sản tăng lên, A nổi lòng tham nên đã cùng C đến UBND xã Y thực hiện thủ tục chuyển nhượng bất động sản nêu trên cho C để thu được nhiều tiền hơn. Giữa các TCHNCC và UBND hiện nay không có sự liên thông về thông tin nên UBND xã Y không thể biết được về hợp đồng đặt cọc giữa A và B nên đã chứng thực hợp đồng chuyển nhượng giữa A và C. Hệ quả xảy ra ở đây là hành vi của A, nhẹ thì xảy ra tranh chấp dân sự với B và C, nặng hơn thì phải xem xét cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy, phải chăng chính việc quy định song song cả hai mô hình công chứng – chứng thực tại nước ta hiện nay là nguyên nhân dẫn đến hành vi của những đối tượng A nêu trong ví dụ trên?

Tình huống 2 : Khi giải quyết thủ tục công chứng văn bản liên quan đến vấn đề thừa kế, theo quy định, CCV phải yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ của họ với người để lại di sản như giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy chứng nhận kết hôn…. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp những người lớn tuổi không có giấy khai sinh, nhiều trường hợp chủ tài sản đã chết rất lâu nhưng gia đình không còn lưu giữ bất cứ thông tin, tài liệu gì chứng minh sự kiện chết để tiến hành thủ tục khai tử hoặc do sơ xuất mà các tài liệu trên bị thất lạc..vv… Bắt buộc trong tình huống này, CCV phải hướng dẫn khách hàng quay trở lại UBND để tiến hành các thủ tục đăng ký lần đầu hoặc sao lục tài liệu theo quy định. Tuy nhiên, rất phổ biến tình trạng khách hàng khi quay trở lại UBND thì lại được hướng dẫn tiến hành luôn thủ tục chứng thực tại UBND do về trình tự quy định của Nghị định 23/2015/NĐ – CP ngày 16/02/2015 không hề quy định về vấn đề này (bởi chứng thực chữ ký thì các bên phải chịu trách nhiệm toàn bộ về thông tin trong giao dịch, người thực hiện việc chứng thực chỉ chịu trách nhiệm về yếu tố thời gian, địa điểm, năng lực của các bên tham gia giao dịch). Hậu quả là rất nhiều trường hợp gian dối, giấu diếm, bỏ sót người thừa kế đã xảy ra do lợi dụng kẽ hở này của pháp luật. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch vô tình lại bị cản trở bởi chính hành vi này của một bộ phận cán bộ tại UBND khi vì những lợi ích thu được và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên đã cố tình gây khó khăn cho người dân muốn làm thủ tục đăng ký hộ tịch để họ phải rút hồ sơ tại các TCHNCC về thực hiện thủ tục chứng thực văn bản tại UBND. Nguyên tắc vô tư, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên tham gia giao dịch liệu có thể bảo đảm quy định trên đang vô tình trao cho các UBND quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đồng thời lại không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra thiệt hại cho các bên liên quan? Phải chăng quy định này là nguyên nhân của hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong việc giải quyết công việc cho người dân giữa các UBND với các TCHNCC khi mà đáng lẽ ra đây phải là một mối quan hệ phối hợp khăng khít nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật bởi có quá nhiều nghiệp vụ của các CCV phải liên quan đến UBND như xác minh thông tin, niêm yết thông báo thừa kế…

3. Kiến nghị phương pháp giải quyết bất cập

3.1 Xác định chính xác về mô hình công chứng là nền tảng quan trọng hàng đầu để giải quyết bất cập và nâng cao chất lượng hoạt động công chứng tại Việt Nam

Theo quan điểm của tác giả, trọng tâm để giải quyết các bất cập nêu trên đó là xác định chính xác về mô hình công chứng tại Việt Nam. Chỉ khi xác định chính xác mô hình công chứng tại Việt Nam thì mới xây dựng được quy định cụ thể về phạm vi, cấu trúc và hệ thống vận hành hoạt động công chứng từ đó quản lý bài bản, từng bước phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động công chứng nói chung và chất lượng đội ngũ CCV Việt Nam trong tương lai. Qua đó cũng loại bỏ những thiết chế không còn phù hợp với bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, chấm dứt tình trạng chồng chéo về thẩm quyền đã gián tiếp tạo ra các bất cập nêu trên.

Ngày 09/10/2013, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 84 của Liên minh công chứng Latin quốc tế (UINL) như một khẳng định cho việc Việt Nam lựa chọn mô hình công chứng nội dung. Mô hình này phù hợp với đường lối chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tác giả hoàn toàn ủng hộ sự lựa chọn này của Đảng, Nhà nước và kiến nghị cần triệt để tuân thủ mô hình công chứng nội dung này. Với hệ thống pháp luật thành văn cũng như trong bối cảnh xã hội đang phát triển ở Việt Nam và trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận lớn người dân trong xã hội còn chưa cao thì định hướng theo đuổi mô hình công chứng nội dung là hoàn toàn phù hợp. CCV thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình được tiếp xúc với đông đảo người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật; giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; hạn chế, giảm thiểu tranh chấp trong xã hội và góp phần giảm tải áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Văn bản công chứng được triệt để công nhận và thi hành chính là biện pháp hữu hiệu đề cao tính trung thực, loại trừ hành vi gian dối và nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc giao kết thỏa thuận dân sự.

3.2 Điều chỉnh phù hợp văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp thực thi hiệu quả mô hình công chứng nội dung tại Việt Nam.

3.2.1 Một số kiến nghị điều chỉnh đối với quy định chung về hoạt động công chứng:  

Để hiện thực quan điểm xác định mô hình công chứng tại Việt Nam là công chứng nội dung thì việc đầu tiên tác giả kiến nghị Nhà nước cần mạnh dạn chấm dứt mô hình công chứng hình thức đang được thực thi bằng thiết chế chứng thực tại UBND cấp xã theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành và nhất quán quy định giao toàn bộ thẩm quyền chứng nhận hợp đồng, giao dịch về hệ thống công chứng thông qua hoạt động nghề nghiệp của các CCV. Toàn bộ các thông tin liên quan đến hợp đồng, giao dịch dân sự trong xã hội được thống nhất tập trung về hệ thống công chứng sẽ góp phần giúp Nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn trong công tác quản lý. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để chấm dứt các bất như tác giả đã nêu tại bài viết này.

Tiếp theo, cần nghiêm túc rà soát, điều chỉnh lại các quy định của LCC để phù hợp với mô hình công chứng nội dung, cụ thể :

Thứ nhất, cần xem xét kỹ lại định nghĩa công chứng tại Điều 2 LCC 2014. Cần xác định rõ phạm vi của hoạt động công chứng đó là chứng nhận toàn bộ các hợp đồng, giao dịch dân sự trong đời sống xã hội thông qua hoạt động nghề nghiệp của CCV nhằm tạo lập, lưu giữ và cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu và có thẩm quyền. Điều 2 LCC 2014 hiện nay mới chỉ mô tả một phần công việc mà CCV thực hiện khi cung cấp dịch vụ công chứng (chứng nhận văn bản công chứng) chứ chưa khái quát được toàn bộ hoạt động công chứng cũng như chưa xác định được chính xác vị trí, vai trò, nhiệm vụ của CCV. Chính bởi việc LCC không định nghĩa rõ ràng về công chứng đã dẫn đến những mâu thuẫn trong định hướng phát triển mô hình công chứng tại nước ta trong thời gian qua như tác giả nêu trên.

Thứ hai, cần làm rõ những điều kiện để Tòa án được quyền tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng quy định tại Điều 5 LCC 2014. Văn bản công chứng đã có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh thì đồng nghĩa phải có giá trị bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên liên quan đồng thời phải được các cơ quan liên quan và cơ quan tố tụng ưu tiên, triệt để công nhận và chấp thuận áp dụng. Tòa án chỉ có thể tuyên bố vô hiệu trong trường hợp chứng minh được vi phạm về trình tự/ thủ tục công chứng của CCV và cần ưu tiên, triệt để tôn trọng, công nhận nội dung thỏa thuận của các bên đã được ghi nhận tại văn bản công chứng. Điều 5 LCC 2014 đã không làm rõ những điều kiện để Tòa án được tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng đã dẫn đến tình trạng hiện nay rất nhiều Tòa án công nhận những thỏa thuận ngầm giữa các bên tham gia giao dịch được thiết lập không chính thức bằng miệng, giấy tờ, tài liệu viết tay và tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng được chứng nhận bởi các CCV. CCV là những người am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm chuyên môn sâu về pháp luật dân sự; việc chứng nhận văn bản công chứng trải qua một loạt quy trình thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng và tuân thủ quy trình công chứng chặt chẽ, bài bản mà cuối cùng văn bản công chứng lại không có giá trị bằng những giao ước không chính thức như trên là một điều hết sức vô lý. Nhiều trường hợp các bên liên quan cố tình thông tin sai sự thật, cung cấp giấy tờ giả mạo, lừa dối CCV để thiết lập các giao dịch dân sự nhưng đến khi tranh chấp xảy ra thì Tòa án lại tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng. Phổ biến nhiều nhất hiện nay là hiện tượng các đối tượng đi vay/ cho nhau vay tiền nhưng cố tình lừa đối CCV để giao kết hợp đồng chuyển nhượng/ mua bán tài sản, tranh chấp xảy ra thì lại xuất trình giấy tờ viết tay về việc cho vay tiền và rất nhiều Tòa án tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng trong tình huống này. Nhiều trường hợp còn liên lụy CCV, TCHNCC phải liên đới bồi thường thiệt hại hoặc dính vòng lao lý chỉ vì những hành vi gian dối của các bên liên quan. Đây là một vấn đề gây hoang mang, bức xúc rất nhiều trong đội ngũ các CCV tại Việt Nam thời gian qua, khiến các CCV mất niềm tin vào pháp luật khi không được bảo vệ và ngày càng ngần ngại trong quá trình hoạt động nghề nghiệp khi đáng lẽ ra chính các CCV phải là người được bảo vệ trong tình huống này. Hiện trượng trên cũng đã gián tiếp tạo ra tiền lệ xấu coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, tạo đà cho tính gian dối, không trung thực và thiếu trách nhiệm trong quá trình giao kết hợp đồng. Đối với trường hợp tác giả vừa nêu, nếu giá trị chứng cứ của văn bản công chứng được Tòa án triệt để ưu tiên công nhận vì các bên đã tự nguyện thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán/ chuyển nhượng chứ không hề bị ép buộc, lừa dối thì phải chịu trách nhiệm với giao kết đó của mình và nếu có hành vi cố tình gian dối CCV thì tùy mức độ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi gian dối của mình, nếu hành vi gian dối đó gây thiệt hại cho CCV và TCHNCC thì phải bồi thường.

Thứ ba, cần làm rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan khi được CCV yêu cầu. Mọi hành vi cố tình trốn tránh không cung cấp thông tin cho CCV cần được hiểu là hành vi cản trở hoạt động công chứng và tùy mức độ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của mô hình công chứng nội dung đó là tính xác thực của các thông tin chứa đựng trong văn bản công chứng thông qua hoạt động xác minh thông tin của CCV. Chỉ khi CCV có thể xác minh được thì mới có cơ sở để nâng cao tính xác thực và chất lượng nội dung của văn bản công chứng. LCC 2014 hiện nay trao cho CCV thẩm quyền được xác nhưng lại không ràng buộc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho CCV đối với các cá nhân, tổ chức liên quan khi được yêu cầu. LCC 2014 cũng không quy định trách nhiệm của các bên khi chậm cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, không chính xác cho CCV; không quy định rõ việc không cung cấp hoặc từ chối cung cấp thông tin cho CCV có được xếp là hành vi cản trở hoạt động công chứng, cản trở hoạt động nghề nghiệp của CCV hay không? Thực tế rất nhiều trường hợp CCV yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động công chứng nhưng không trả lời, không phối hợp, hoặc từ chối cung cấp thông tin không có lý do và chẳng phải chịu chế tài nào về hành vi này. CCV ở vào tình thế có quyền nhưng chẳng dễ để thực hiện quyền của mình. Nói cách khác, LCC năm 2014 trao quyền cho CCV nhưng lại không trao công cụ và cũng chẳng công nhận giá trị pháp lý của hoạt động xác minh thông tin. Nếu các CCV không có cơ sở pháp lý để triệt để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động nghề nghiệp của mình là xác thực thông tin thì làm sao có thể đòi hỏi CCV phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung của giao dịch? Do vậy, cần thiết phải quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền xác minh thông tin và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên liên quan cho CCV trong hoạt động công chứng. Đây mới là nền tảng tốt nhất để hiện thực hóa mô hình công chứng nội dung và từ đó mới có thể đặt ra yêu cầu, đòi hỏi về trách nhiệm/ nghĩa vụ của CCV đối với tính xác thực của các nội dung chứa đựng trong văn bản công chứng.

3.2.2 Một số kiến nghị điều chỉnh đối với quy định cụ thể về TCHNCC và CCV:

Thứ nhất, cần nghiêm túc xem xét cơ sở khoa học của việc quy định TCHNCC bắt buộc phải có 02 CCV hợp danh tại khoản 1, Điều 22 LCC 2014.

Hoạt động chuyên môn nghề nghiệp cho thấy không dễ để có tiếng nói chung giữa các CCV bởi pháp luật dân sự gắn liền với sự đa dạng của các giao dịch dân sự trong đời sống xã hội và quan điểm áp dụng pháp luật của mỗi CCV cũng khác nhau tùy thuộc vào khả năng chuyên môn của mỗi người. Thực tế đã cho thấy rất nhiều mâu thuẫn, tranh chấp đã xảy ra giữa chính các CCV trong cùng một TCHNCC do không tìm được tiếng nói chung về chuyên môn làm giảm đi sự đoàn kết chung trong một bộ phận các CCV. Phải chăng, việc không xác định rõ mô hình công chứng, chồng chéo giữa công chứng – chứng thực cùng quy định bắt buộc phải có ít nhất 02 CCV hợp danh khi thành lập VPCC của LCC 2014 chính là nguyên nhân trực tiếp của việc không đẩy mạnh phủ sóng được các TCHNCC và sự mất cân đối trong phân bổ CCV trên toàn quốc? Liệu đây có phải cũng là nguyên nhân của tình trạng CCV “đi mượn”, “đi thuê”, “ghi danh”….như hiện nay đang diễn ra? Liệu có phải là nguyên nhân của việc CCV không thiết tha với việc trở về công tác tại địa bàn nông thôn, nản chí khi thiếu cơ chế để được thành lập VPCC của mình nhằm cống hiến cho xã hội?  Tác giả nhận thấy rằng, sở dĩ CCV không thiết tha với việc trở về địa phương hoặc địa bàn nông thôn để công tác bởi họ không có công việc để làm khi mà các UBND đã ôm trọn hoạt động chứng thực. CCV muốn về để thành lập VPCC ở địa bàn nông thôn để phục vụ người dân thì lại bị cản trở bởi chính quy định bắt buộc phải có 02 CCV hợp danh trở lên trong khi để tìm được CCV đồng hành cùng trở về công tác tại địa phương là không hề dễ dàng. Thu nhập của CCV tại địa bàn nông thôn thì không được bảo đảm bởi lượng việc tập trung hầu hết vào các UBND, VPCC không có nhiều công việc, giá trị giao dịch thấp thì làm sao mà có thể chi trả phúc lợi tốt cho CCV? Chưa kể tình trạng khi CCV hành nghề trên địa bàn còn vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận cán bộ UBND, không phối hợp, không cung cấp thông tin tài liệu… như tác giả đã phân tích nêu trên khiến CCV gặp muôn vàn khó khăn và không còn thiết tha với nghề. Bất cập thì rất nhiều nhưng cho đến nay ưu việt của mô hình TCHNCC do 02 CCV thành lập chưa cho thấy tính hiệu quả. Thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý cần nhìn thẳng vào sự thật này để có sự điều chỉnh khi ban hành LCC (sửa đổi) sắp tới nhằm đẩy mạnh phủ sóng mạng lưới các TCHNCC và phân bổ đồng đều lực lượng CCV trên toàn quốc nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Cá nhân tác giả tin tưởng rằng, khi xác định rõ mô hình công chứng nội dung, xóa bỏ thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã, mạnh dạn cho phép thành lập các VPCC do 01 CCV thành lập tại các khu vực ngoại thành thì lực lượng CCV hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề nêu trên.

  • Thứ hai, việc đào tạo và bổ nhiệm CCV cần phải được nâng cao tiêu chí để bảo đảm chất lượng của đội ngũ CCV Việt Nam trong tương lai.

Hậu quả mà LCC năm 2006 để lại khi quá dễ dãi về tiêu chuẩn trong công tác đào tạo, bổ nhiệm CCV là bài học lớn mà đến nay chúng ta không được phép lãng quên. Những sai phạm nghiêm trọng khi hành nghề của một bộ phận CCV chuyển ngang từ lĩnh vực khác sang đã gây hậu quả lớn và dư luận rất xấu trong xã hội làm ảnh hưởng đến các CCV khác có chuyên môn, đạo đức hành nghề tốt. Công chứng là một nghề đặc thù và rất chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật dân sự. Để hành nghề công chứng tốt, CCV ngoài chuyên môn về pháp luật, kỹ năng hành nghề Luật nói chung còn cần có rất nhiều kỹ năng khác như kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng giao tiếp – đàm phán, kỹ năng xây dựng và trình bày văn bản, kỹ năng nhận biết giấy tờ tài liệu… Tất cả các kỹ năng nêu trên không hề giống bất cứ ngành nghề pháp lý nào khác như quản lý nhà nước, giảng viên, thừa phát lại, thẩm phán… Không thể đánh đồng việc một cá nhân có kinh nghiệm, kỹ năng trong lĩnh vực pháp luật khác lại cũng vận dụng tốt trong hoạt động công chứng. Tác giả kiến nghị không áp dụng việc miễn giảm thời gian đào tạo nghề công chứng đồng thời cần phải siết lại các tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV, tiêu chí và số lượng CCV căn cứ theo nhu cầu về hoạt động công chứng trên từng địa phương. Chỉ khi nghiêm túc với vấn đề này thì mới có thể nâng cao chất lượng đội ngũ CCV Việt Nam trong tương lai.

   Tạm kết:

  Liên quan đến việc đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV Việt Nam trong tương lai còn rất nhiều vấn đề mà cơ quan quản lý cần xem xét, đánh giá và cân nhắc trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trọng tâm ý kiến đóng góp của tác giả tại bài viết xoay quanh việc cần xác định lại rõ nét mô hình công chứng sẽ áp dụng trong thời gian tới là mô hình công chứng nội dung từ đó quy định cụ thể phạm vi, cấu trúc, hệ thống vận hành mô hình này tại Việt Nam, từng bước loại bỏ những bất cập, chồng chéo như tác giả đã nêu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV nói riêng và chất lượng hoạt động công chứng tại Việt Nam nói chung trong tương lai, để công chứng thực sự là “người gác cổng” an toàn, tin cậy cho các giao dịch dân sự của nhân dân.

Tài liệu tham khảo :

  1. Thông tin về triết gia Marcus Tullius tại link : Cicero – Wikipedia
  2. Bộ Tư pháp tổng kết 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 | Sở Tư Pháp tỉnh Lạng Sơn (langson.gov.vn)

*Chú ý : Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn !